Thế nhưng, ngay cả khi các CLB mạnh vì gạo, bạo vì tiền như vậy thì V.League vẫn chưa thể thu hút nhà tài trợ nào khác ngoài cái tên quen thuộc vốn thân thiết với bầu Tú - Chủ tịch HĐQT VPF.
Hợp đồng mới, tên cũ
Ngày 24/12, V.League công bố nhà tài trợ chính của giải. Điều đáng mừng, nhà tài trợ này sẽ cam kết gắn bó với giải đấu số 1 Việt Nam trong 3 mùa giải liên tiếp. Đó là điều chưa từng thấy trong vòng 10 năm trở lại đây. Bởi Toyota, Eximbank cũng chỉ kịch khung 2 mùa giải liên tiếp.
Cách mà họ đàm phán với đại diện V.League cũng là nhỏ giọt, theo kiểu hết mùa giải này rồi mới tính đến chuyện có gia hạn hay không. Vậy nên, việc nhà tài trợ kể trên gắn bó với V.League tới 3 mùa liên tiếp có thể mang đến sự ổn định và cũng giúp cho VPF, các CLB và người hâm mộ bốt nơm nớp âu lo mỗi khi mùa giải mới gần kề.
Đó là cái mới. Nhưng cái cũ nằm ở chỗ nhà tài trợ một lần nữa lại là LS – nhà tài trợ vốn đã quen mặt chỉ tên với không chỉ V.League mà nhiều giải đấu lớn nhỏ của Việt Nam suốt nửa thập kỷ qua. Có cảm giác rằng, tập đoàn này luôn là chiếc phao cứu sinh mỗi khi giải đấu của Việt Nam thiếu đi nhà tài trợ.
Thực tế, LS có liên quan đến ông Trần Anh Tú, Uỷ viên thường trực BCH VFF, Chủ tịch HĐQT VPF. Do vậy, mỗi khi chẳng tìm được Mạnh thường quân nào, VFF và VPF lại phải nhờ cậy cả vào “bầu sữa” mang tên Trần Anh Tú mà thôi.
Giá trị của 3 năm tài trợ không được tiết lộ. Nhưng giải thưởng dành cho các đội bóng ở mùa giải năm nay cũng chẳng tăng hơn so với mùa trước. Cụ thể, nhà vô địch V.League 2021 được thưởng 3 tỷ đồng, 1,5 tỷ cho đội đứng thứ hai và 750 triệu đồng cho đội đứng thứ ba. CLB đoạt giải phong cách được nhận thưởng 200 triệu đồng.
Việc hỗ trợ tiền cho các CLB tham dự V.League cũng chẳng khá hơn. Con số 1 tỷ đồng/năm từ phía VPF đưa xuống đương nhiên chẳng thấm tháp vào đâu so với kinh phí trang trải trong suốt một mùa giải đến từ các đội bóng.
Vậy nên, đồng ý là thiện chí của LS giúp cho V.League có sự ổn định chưa từng có về thời gian tài trợ. Thế nhưng, giá trị tài trợ không quá tăng cũng đủ để thấy V.League chưa đủ sức hút để những thương hiệu lớn vào cuộc và hỗ trợ mạnh cho giải bóng đá số 1 Việt Nam.
Bản quyền truyền hình, coi như cho!
Năm 2017, Next Media ký hợp đồng với VPF sở hữu toàn bộ BQTH 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League, hạng Nhất, Cúp QG) trong 5 năm từ 2017-2022. Cái “được” là 100% các trận đấu của V.League được phát sóng trực tiếp trên truyền hình (chủ yếu là VTVcab) và các nền tảng OTT, mạng xã hội.
Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống 3 giải chuyên nghiệp mỗi năm chỉ thu được 2 tỷ đồng “tiền tươi” BQTH từ Next Media (chỉ bằng 1/3 mức giá AVG đề nghị 6 năm trước). Mặc dù theo hợp đồng mỗi trận đấu VPF có 9 phút quảng cáo trên các đài truyền hình (mỗi TVC quảng cáo 30 giây giá trung bình 20 triệu đồng, V.League một mùa có 182 trận (18 TVC/trận), VPF có thể khai thác được 3.276 TVC, tức hơn 65,5 tỷ đồng), nhưng đó chỉ là… trên giấy.
Thực tế phần lớn của khoảng thời gian 9 phút quảng cáo mỗi trận này đều được VPF dùng để thanh toán, trả quyền lợi (quảng cáo) cho các nhà tài trợ của giải. Mà cho dù còn thừa thời lượng VPF cũng không thể tìm đâu ra thêm quảng cáo bên ngoài. Cho nên con số hơn 65,5 tỷ đồng là chuyện… “đếm cua trong lỗ”.
Điều đó càng khiến các đội bóng và người hâm mộ đau lòng. Bởi nhìn sang người hàng xóm Thái Lan, giải đấu này càng thu về nhiều tiền bản quyền truyền hình. Trong 8 năm tiếp theo, tính từ mùa giải 2020, Thai League thu về bình quân 975 tỷ đồng/năm. Các CLB cũng được chia miếng bánh lợi nhuận từ bản quyền truyền hình rất hậu hĩnh.
Chính vì thế, ngoài nguồn thu từ bán vé, đồ lưu niệm, bản quyền hình ảnh thì nguồn thu từ bản quyền truyền hình đủ để các CLB Thai League nâng cấp lực lượng, khuếch trương giải đấu. Đó là điều khiến bóng đá Việt Nam không khỏi choáng váng và không khỏi chạnh lòng.