Bước tới nội dung

Bính âm Hán ngữ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Pinyin)
Bính âm Hán ngữ
Thể loại sự La-ztinh hóa
Thời gian sáng lập1950s
Thời kỳ
Các ngôn ngữHán ngữ tiêu chuẩn
Bài viết này chứa các biểu tượng ngữ âm IPA trong Unicode. Nếu không thích hợp hỗ trợ dựng hình, bạn có thể sẽ nhìn thấy dấu chấm hỏi, hộp, hoặc ký hiệu khác thay vì kí tự Unicode. Để có hướng dẫn thêm về các ký hiệu IPA, hãy xem Trợ giúp:IPA.
Pinyin
Tiếng Trung拼音
Lược đồ cho bảng chữ cái ngữ âm tiếng Trung
Giản thể汉语拼音方案
Phồn thể漢語拼音方案

Phương án bính âm Hán ngữ (giản thể: 汉语拼音方案, phồn thể: 漢語拼音方案, Hán Việt: Hán ngữ bính âm phương án), thường gọi ngắn là bính âm, phanh âm hay pinyin, là cách thức sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc (tức Latinh hóa tiếng Trung), tác giả là Chu Hữu Quang. Bính âm được phê chuẩn năm 1958 và được thi hành năm 1979 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó đã thay thế các hệ thống Latinh hóa cũ hơn như Wade-Giles (1859, sửa đổi năm 1912) và Hệ thống phiên âm Bưu điện, và thay thế chú âm phù hiệu trong việc dạy cách đọc chữ Hán tại Trung Quốc đại lục.

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Cho tới nay, bính âm Hán ngữ đã được sử dụng như một hệ thống chuyển tự Latinh chữ Hán trong việc dạy và học Hán ngữ tiêu chuẩn tại Singapore, Malaysia, CHND Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Hồng Kông, Ma Cao.[1] Năm 1979, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) đã chọn bính âm làm hệ thống Latinh hóa chuẩn cho Hán ngữ (ISO-7098:1991).[2] Bính âm đã trở thành một công cụ hữu dụng trong việc học tiếng Trung Quốc.

Vào cuối thập niên 1990, Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đã lập ra bính âm thông dụng (通用拼音 tōngyòng pīnyīn, Hán Việt: "Thông dụng bính âm") dựa trên bính âm và có một số khác biệt so với phiên âm Hán ngữ. Hệ thống này được sử dụng chính thức tại Đài Loan. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2009, bính âm Hán ngữ đã trở thành hệ chuyển tự Latinh tiếng Trung tiêu chuẩn của Đài Loan.[3][4]

Hệ thống ngữ âm phanh âm biểu thị

[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống ngữ âm phanh âm biểu thị là hệ thống ngữ âm của tiếng phổ thông Trung Quốc. Ngữ âm tiêu chuẩn của tiếng phổ thông Trung Quốc được thiết lập dựa trên ngữ âm của tiếng Bắc Kinh. Mọi thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu trong tiếng phổ thông Trung Quốc đều tồn tại trong tiếng Bắc Kinh, cách phát âm của từ ngữ trong tiếng Bắc Kinh là cơ sở để xác định cách phát âm tiêu chuẩn cho từ ngữ của tiếng phổ thông Trung Quốc nhưng không phải mọi cách phát âm của từ ngữ trong tiếng Bắc Kinh đều được lấy làm cách phát âm tiêu chuẩn của từ ngữ tiếng phổ thông Trung Quốc, cách phát âm của một từ trong tiếng Bắc Kinh không phải lúc nào cũng là cách phát âm tiêu chuẩn của từ đó trong tiếng phổ thông Trung Quốc, có những từ ngữ trong tiếng phổ thông Trung Quốc được phát âm khác âm khác với tiếng Bắc Kinh.[5] Ví dụ:

Từ ngữ
(ghi bằng chữ Hán)
Âm đọc
(ghi bằng phanh âm)
Chữ giản thể Chữ phồn thể Tiếng phổ thông[5] Tiếng Bắc Kinh[5]
教室 jiàoshì jiàoshǐ
质量 質量 zhìliàng zhǐliàng
nèn nùn
过磅 過磅 guòbàng guòbèng
蝴蝶 húdié hútiěr

Bảng chữ cái

[sửa | sửa mã nguồn]

Bính âm sử dụng 26 chữ cái Latinh. Trong đó chữ cái V chỉ dùng để phiên âm tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số và tiếng địa phương.

Chữ cái A a B b C c D d E e F f G g H h I i J j K k L l M m N n O o P p Q q R r S s T t U u V v W w X x Y y Z z
Âm đọc (chú âm) 丨ㄝ 丨ㄡ ㄚㄦ

Nguyên âm (Vận mẫu 韻母/韵母)

[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống ngữ âm Trung Quốc có 36 nguyên âm (vận mẫu), gồm 6 nguyên âm đơn, 13 nguyên âm kép, 16 nguyên âm mũi và 1 nguyên âm uốn lưỡi. Các nguyên âm này được thể hiện như sau trong bính âm.

Nguyên âm đơn

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. a: cách phát âm: mồm há to, lưỡi xuống thấp. Là nguyên âm dài, không tròn môi.
  2. o: cách phát âm: lưỡi rút về phía sau, gốc lưỡi nâng cao ở vị trí giữa, hai môi tròn và nhô ra một tí.
  3. e: cách phát âm: lưỡi rút về phía sau, gốc lưỡi nâng cao ở vị trí giữa, mồm há vừa. Là nguyên âm dài, không tròn môi.
  4. i: cách phát âm: đầu lưỡi dính với răng dưới, phía trước mặt lưỡi nâng sát ngạc cứng, hai môi dẹp, bành ra. Là nguyên âm dài, không tròn môi.
  5. u: cách phát âm: gốc lưỡi nâng cao, lưỡi rút về phía sau, hai môi tròn, nhô ra trước. Là nguyên âm dài, tròn môi.
  6. ü: cách phát âm: đầu lưỡi dính với răng dưới, phía trước mặt lưỡi nâng sát ngạc cứng, hai môi tròn, nhô ra trước. Là nguyên âm dài, tròn môi.

Nguyên âm kép

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ai: cách phát âm: phát nguyên âm "a" trước, sau đó dần dần chuyển sang phát nguyên âm "i".
  2. ei: cách phát âm: phát nguyên âm "e" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm "i".
  3. ao: cách phát âm: phát nguyên âm "a" trước, sau đó dần dần chuyển sang phát nguyên âm "o".
  4. ou: cách phát âm: phát nguyên âm "o" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm "u".
  5. ia: cách phát âm: phát nguyên âm "i" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm "a".
  6. ie: cách phát âm: phát nguyên âm "i" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm "e".
  7. ua: cách phát âm: phát nguyên âm "u" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm "a".
  8. uo: cách phát âm: phát nguyên âm "u" trước, sau đó dần dần chuyển sang phát nguyên âm "o".
  9. üe: cách phát âm: phát nguyên âm "ü" trước, sau đó dần dần chuyển sang phát nguyên âm "e".
  10. iao: cách phát âm: phát nguyên âm "i" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm kép "ao".
  11. iou: cách phát âm: phát nguyên âm "i" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm kép "ou".
  12. uai: cách phát âm: phát nguyên âm "u" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm kép "ai".
  13. uei: cách phát âm: phát nguyên âm "u" trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm kép "ei".

Nguyên âm er

[sửa | sửa mã nguồn]

Phát nguyên âm "e" trước, sau đó, lưỡi dần dần cuốn lên. "er" là một nguyên âm đặc biệt. "er" là một âm tiết riêng, không thể ghép với bất cứ nguyên âm và phụ âm nào.

Nguyên âm mũi

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. an: phát nguyên âm a trước, sau đó, chuyển sang phát phụ âm n.
  2. en: phát nguyên âm "e" trước, sau đó chuyển sang phát phụ âm "n".
  3. in: phát nguyên âm "i" trước, sau đó chuyển sang phát phụ âm "n".
  4. ün: phát nguyên âm "ü" trước, sau đó chuyển sang phát phụ âm "n".
  5. ian: phát nguyên âm "i" trước, sau đó chuyển sang phát nguyên âm mũi "an".
  6. uan: phát nguyên âm "u" trước, sau đó chuyển sang phát nguyên âm mũi "an"
  7. üan: phát nguyên âm "ü" trước, sau đó chuyển sang phát nguyên âm mũi "an".
  8. uen (un): phát nguyên âm "u" trước, sau đó chuyển sang phát phụ âm "en".
  9. ang: phát nguyên âm "a" trước, sau đó, chuyển sang phát âm "ng".
  10. eng: phát nguyên âm "e" trước, sau đó, chuyển sang phát âm "ng".
  11. ing: phát nguyên âm "i" trước, sau đó, chuyển sang phát âm "ng".
  12. ong: phát nguyên âm o trước, sau đó, chuyển sang phát âm "ng".
  13. iong: phát nguyên âm "i" trước, sau đó, chuyển sang phát nguyên âm mũi "ong".
  14. iang: phát nguyên âm "i" trước, sau đó, chuyển sang phát nguyên âm mũi "ang".
  15. uang: phát nguyên âm "u" trước, sau đó, chuyển sang phát nguyên âm mũi "ang".
  16. ueng: phát nguyên âm "u" trước, sau đó, chuyển sang phát nguyên âm mũi "eng".

Cách đọc như sau: gốc lưỡi nâng cao, dính chặt vào ngạc mềm, lưỡi con rủ xuống, không khí từ xoang mũi thoát ra. Âm "ng" chỉ có thể đứng sau nguyên âm mà không thể đứng trước nguyên âm như trong tiếng Việt.

Phụ âm (Thanh mẫu 聲母/声母)

[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống ngữ âm Trung Quốc có 21 phụ âm (thanh mẫu), trong đó có 18 phụ âm đơn, 3 phụ âm kép, trong phụ âm đơn có một phụ âm uốn lưỡi:

  1. b: là âm đôi môi. Cách phát âm: hai môi dính tự nhiên, sau đó tách ra, luồng không khí từ hang mồm thoát ra. Là một âm tắc, vô thanh, không bật hơi.
  2. p: là âm đôi môi. Cách phát âm: hai môi dính tự nhiên, sau đó tách ra, luồng không khí từ hang mồm thoát ra. Là một âm tắc, vô thanh, có bật hơi.
  3. m: là âm đôi môi. Cách phát âm: hai môi dính tự nhiên, luồng không khí từ khoang miệng thoát ra. Là một âm mũi, hữu thanh.
  4. f: là âm môi răng. Cách phát âm: môi dưới dính nhẹ với răng trên, luồng không khí từ khe giữa răng và môi thoát ra. Là một âm xát, vô thanh.
  5. d: là âm đầu lưỡi giữa. Cách phát âm: đầu lưỡi dính vào lợi trên, hình thành trở ngại, sau đó bỗng hạ thấp, luồng không khí từ hang mồm thoát ra. Là một âm tắc, vô thanh, không bật hơi.
  6. t: là âm đầu lưỡi giữa. Cách phát âm: đầu lưỡi dính vào lợi trên, hình thành trở ngại, sau đó bỗng hạ thấp, luồng không khí từ hang mồm thoát ra. Là một âm tắc, vô thanh, có bật hơi.
  7. n: là âm đầu lưỡi giữa. Cách phát âm: đầu lưỡi dính vào lợi trên, hình thành trở ngại, luồng không khí từ hang mũi thoát ra. Là một âm mũi, hữu thanh.
  8. l: là âm đầu lưỡi giữa. Cách phát âm: đầu lưỡi dính vào lợi trên, luồng không khí từ hai mép lưỡi thoát ra. Là một âm biên, hữu thanh.
  9. g: là âm gốc lưỡi. Cách phát âm: gốc lưỡi áp vào ngạc mềm, hình thành trở ngại, sau đó bỗng tách ra, luồng không khí từ khoang miệng thoát ra. Là một âm tắc, vô thanh, không bật hơi.
  10. k: là âm gốc lưỡi. Cách phát âm: gốc lưỡi áp vào ngạc mềm, hình thành trở ngại, sau đó bỗng tách ra, luồng không khí từ khoang miệng thoát ra. Là một âm tắc, vô thanh, có bật hơi.
  11. h: là âm gốc lưỡi. Cách phát âm: gốc lưỡi nâng cao, nhưng không áp vào ngạc mềm, hình thành trở ngại, luồng không khí từ giữa thoát ra. Là một âm xát, vô thanh.
  12. j: là âm mặt lưỡi. Cách phát âm: mặt lưỡi áp nhẹ vào ngạc cứng, sau đó tách ra, luồng không khí từ giữa thoát ra. Là một âm bán tắc, vô thanh, không bật hơi.
  13. q: là âm mặt lưỡi. Cách phát âm: mặt lưỡi áp nhẹ vào ngạc cứng, sau đó tách ra, luồng không khí từ giữa thoát ra. Là một âm bán tắc, vô thanh, có bật hơi.
  14. x: là âm mặt lưỡi. Cách phát âm: mặt lưỡi nâng cao sát ngạc cứng, luồng không khí từ giữa thoát ra. Là một âm xát, vô thanh.
  15. z: là âm đầu lưỡi trước. Cách phát âm: đầu lưỡi áp vào lợi trên, sau đó tách ra một tí, luồng không khí từ giữa thoát ra. Là một âm bán tắc, vô thanh, không bật hơi.
  16. c: là âm đầu lưỡi trước. Cách phát âm: đầu lưỡi áp vào lợi trên, sau đó tách ra một tí, luồng không khí từ giữa thoát ra. Là một âm bán tắc, vô thanh, có bật hơi.
  17. s: là âm đầu lưỡi trước. Cách phát âm: đầu lưỡi nâng sát lợi trên, luồng không khí từ giữa thoát ra. Là một âm xát, vô thanh.
  18. zh: là âm đầu lưỡi sau. Cách phát âm: đầu lưỡi áp vào ngạc cứng trước, sau đó tách ra một tí, luồng không khí thoát ra khoang miệng. Là một âm bán tắc, vô thanh, không bật hơi, lúc phát âm phải uốn lưỡi.
  19. ch: là âm đầu lưỡi sau. Cách phát âm: đầu lưỡi áp vào ngạc cứng, sau đó tách ra một tí, luồng không khí thoát ra khoang miệng. Là một âm bán tắc, vô thanh, có bật hơi, lúc phát âm phải uốn lưỡi.
  20. sh: là âm đầu lưỡi sau. Cách phát âm: đầu lưỡi áp vào ngạc cứng trước, luồng không khí thoát ra miệng theo một đường nhỏ và hẹp. Là một âm xát, vô thanh, lúc phát âm phải uốn lưỡi.
  21. r: là âm đầu lưỡi sau. Cách phát âm: đầu lưỡi nâng sát ngạc cứng trước, luồng không khí thoát ra miệng thoe một đường nhỏ và hẹp. Là một âm xát, hữu thanh, lúc phát âm phải uốn lưỡi.

Dấu thanh (Thanh điệu 聲調/声调)

[sửa | sửa mã nguồn]

Ký hiệu dấu thanh

[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống ngữ âm tiếng Trung phổ thông có 4 thanh điệu cơ bản. Trong bính âm, các thanh điệu này được ký hiệu là:

  1. Thanh thứ nhất: cũng gọi là "âm bình (陰平/阴平)", là thanh cao, rất đều. Gần giống thanh "ngang" trong tiếng Việt. Ký hiệu trong bính âm là "¯". Trong chú âm, thanh "ngang" lại không có ký hiệu.
  2. Thanh thứ hai: cũng gọi là "dương bình (陽平/阳平)", là thanh cao, đều, từ thấp lên cao. Gần giống thanh "sắc" trong tiếng Việt. Ký hiệu trong bính âm và chú âm là "´".
  3. Thanh thứ ba: cũng gọi là "thượng thanh (上聲/上声)", là thanh thấp, xuống thấp lại lên cao. Gần giống thanh "hỏi" trong tiếng Việt. Ký hiệu trong bính âm và chú âm là "ˇ".
  4. Thanh thứ tư: cũng gọi là "khứ thanh (去聲/去声)", là thanh từ cao xuống thấp. Ngắn và nặng hơn thanh "huyền", dài và nhẹ hơn thanh "nặng" trong tiếng Việt. Ký hiệu trong bính âm và chú âm là "ˋ".

Ngoài ra còn một thanh nữa, gọi là thanh nhẹ (輕聲/轻声, khinh thanh). Thanh này chỉ dùng khi muốn làm nhẹ một âm phía trước. Trong bính âm, thanh nhẹ không có ký hiệu, nhưng trong chú âm thì nó được ký hiệu là "." (dấu khuyên nhỏ).

Cách đánh dấu thanh

[sửa | sửa mã nguồn]

Dấu 4 thanh điệu trong hệ thống bính âm phải đánh trên nguyên âm chủ yếu của một âm tiết (tức là một chữ):

  • Cách đánh dấu của nguyên âm đơn: dấu trực tiếp đánh trên nguyên âm đơn:
  1. "a": Dấu trực tiếp đánh trên nguyên âm "a".
  2. "o": Dấu trực tiếp đánh trên nguyên âm "o".
  3. "e": Dấu trực tiếp đánh trên nguyên âm "e".
  4. "i": Dấu trực tiếp đánh trên nguyên âm "i".
  5. "u": Dấu trực tiếp đánh trên nguyên âm "u".
  6. "ü": Dấu trực tiếp đánh trên nguyên âm "ü".
  • Cách đánh dấu của nguyên âm kép và nguyên âm mũi:
  1. Nếu trong nguyên âm kép hoặc nguyên âm mũi có nguyên âm đơn "a", thì dấu đánh trên nguyên âm "a". Ví dụ: "ai", "ao", "an", "ang", dấu đánh trên nguyên âm "a".
  2. Nếu trong nguyên âm kép hoặc nguyên âm mũi không có nguyên âm đơn "a", thì dấu đánh trên nguyên âm "o". Ví dụ: "ou", "ong", "iou", "iong", "uo", dấu đánh trên nguyên âm "o".
  3. Nếu trong nguyên âm kép hoặc nguyên âm mũi không có nguyên âm đơn "a", thì dấu đánh trên nguyên âm "e". Ví dụ: "ei", "en", "eng", "ie", "uei", "uen", "ueng", "üe", dấu đánh trên nguyên âm "e".
  4. Nguyên âm kép "iu", dấu đánh trên nguyên âm "u".
  5. Nguyên âm kép "ui", dấu đánh trên nguyên âm "i", dấu chấm trên nguyên âm "i" phải bỏ đi.

Quy tắc viết chữ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Các nguyên âm "ü", "üe", "üan", "ün", khi không ghép với phụ âm hoặc ghép với các phụ âm "j", "q", "x" lúc viết phải bỏ hai dấu chấm trên nguyên âm "ü". Ví dụ: yu, yue, yuan, yun, ju, jue, juan, jun, qu, que, quan, qun, xu, xue, xuan, xun.
  • Các nguyên âm "ü". "üe", khi ghép với phụ âm "l", "n", lúc viết hai dấu chấm trên nguyên âm "ü" phải giữ nguyên. Ví dụ: nü, nüe, lü, lüe.
  • Nếu trước nguyên âm "u" không ghép với phụ âm, lúc viết phải thêm bán nguyên âm "w" ở phía trước: Ví dụ: u - wu.
  • Các nguyên âm "ua", "uo", "uai", "uei", "uan", "uen", "uang", "ueng", nếu phía trước không ghép với phụ âm khi viết bỏ chữ "u" ở phía trước, thay bằng bán nguyên âm "w". Ví dụ: ua - wa, uo - wo, uai - wai, uei - wei, uan - wan, uen - wen, uang - wang ueng - weng.
  • Các nguyên âm "uei", "uen" nếu phía trước ghép với phụ âm, lúc viết phải bỏ "e" ở giữa đi. Ví dụ: sui, dui, dun, cui, cun, rui, run.
  • Nguyên âm "iou", nếu phía trước ghép với phụ âm, lúc viết phải bỏ "o" ở giữa. Ví dụ: qiu, niu, jiu, liu.
  • Các nguyên âm: "i", "in", "ing", nếu phía trước không ghép với phụ âm, lúc viết phải thêm bán nguyên âm "y" ở trước, ví dụ: i - yi, in - yin, ing - ying.
  • Các nguyên âm "ia", "ie", "iao", "iou", "ian", "iang", "iong", nếu phía trước không ghép với phụ âm, lúc viết phải thay nguyên âm "i" bằng bán nguyên âm "y", ví dụ: ia - ya, ie - ye, iao - yao, iou - you, ian - yan, iang - yang, iong - yong.
  • Các âm tiết có nguyên âm "a", "o", "e" đứng đầu, khi đặt phía sau âm tiết khác, nếu xuất hiện hiện tượng ranh giới giữa hai âm tiết bị lẫn lộn phải dùng dấu cách âm (') tách ra. Ví dụ;

+) píng'ān (平安), có nghĩa là bình an, từ này có hai âm tiết, âm tiết sau có nguyên âm "a" đứng đầu nếu không dùng dấu cách âm tách ra có khi đọc thành "pín gān" không có nghĩa gì.

+) jiāo'ào (驕傲) có nghĩa là kiêu ngạo, từ này có hai âm tiết, âm tiết sau có nguyên âm "a" đứng đầu, nếu không dùng dấu cách âm tách ra thì rất khó đọc.

  • Những danh từ riêng như tên người, địa danh, cơ quan, đoàn thể, đảng phái... chữ cái đầu phải viết hoa. Chữ cái đứng đầu mỗi câu, mỗi đoạn phải viết hoa.

Bảng ghép chữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Dựa trên các thanh mẫu, vận mẫu và quy tắc viết chữ. Chúng tra có bảng quy tắc ghép chữ thể hiện tất cả các từ trong tiếng Trung.

Cách ngắt chữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Hán là ngôn ngữ đơn âm tiết, vì thế quy tắc cơ bản để ngắt chữ trong bính âm Hán ngữ là ngắt sau mỗi từ đơn. Trong trường hợp các danh từ cố hữu được tạo nên từ nhiều từ đơn thì hết cả danh từ mới ngắt.

Gõ trên máy tính

[sửa | sửa mã nguồn]

Do bính âm Hán ngữ dùng ký tự Latinh, nên vấn đề khó khăn chỉ là thể hiện được thanh điệu. Đối với các văn bản dạng html, có thể gõ ra các ký hiệu thanh điệu với UTF-8 trong Unicode hoặc với GB2312 của Trung Quốc. Trong các trường hợp khác, người ta phải dùng con số để thể hiện thanh điệu.

Ví dụ: để gõ bính âm của 我是越南人, nếu không gõ được Wǒ shì Yuènán rén có thể gõ Wo3 shi4 Yue4nan2 ren2.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Snowling, Margaret J.; Hulme, Charles (2005). The science of reading: a handbook. (Volume 17 of Blackwell handbooks of developmental psychology) (bằng tiếng Anh). Wiley-Blackwell. tr. 320–322. ISBN 1405114886.
  2. ^ “ISO 7098:1982 - Documentation -- Romanization of Chinese” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2009.
  3. ^ “Hanyu Pinyin to be standard system in 2009”. Taipei Times. ngày 18 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2008.
  4. ^ “Gov't to improve English-friendly environment” (bằng tiếng Anh). The China Post. ngày 18 tháng 9 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2008.
  5. ^ a b c 曹澄方. 《小学汉语拼音教学问题》. 贵州人民出版社. Năm 1983. Trang 3.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trương Văn Giới, Lê Khắc Kiều Lục, 301 câu đàm thoại tiếng Hoa
  • Tân Hán ngữ giáo trình

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]