Chỉ còn vài giờ nữa thôi là thế giới sẽ đón mừng năm 2018. Không biết sang năm bên các đài phát tin ... tức có khá hơn không khi nói về Ông Trump , nhưng tôi đoán cứ theo cái đà sexual harrashment - quấy rối tình dục thì nguời ta sẽ làm to chuyện . Bởi cái gu (hông phải letter khác à nhen) của "các bà" lôi vô vụ chính chị-chính em-chính anh thì thế nào cũng có vài ông rơi lả tả . Mà kể cũng lạ, ông bà Mỹ khi còn trẻ tuổi teens (16 trăng tròn) thì đa số ai cũng cặp kè, cặp bồ cho dzui, chớ có cơm cháo gì đâu, oh quên chưa kể đến few nights stand . Nay mấy ông mấy bà ở tuởi gần kề miệng lỗ , dưng không báo chí nào đó lại lôi ra chuyện 5 - 6 mươi năm về truớc, đố mà ông có nhớ mấy bà già ấy lên tivi tố cáo hành vi "đồi trụy" là bà nào . Nghĩ lại cũng thảm và thiệt là buồn cuời , chuyện tự dưng không có gì lại bươi móc ra, vậy mà .... it works , thế mà lạ sự đời . Phái "bói ra ma, quét nhà ra rác" thừa thắng xông lên . Người lập ra công ty làm phim lại bị đuổi việc cho vô bót ngồi dùng trà tạm vài ngày . Rồi các ông chính trị khác bị vạ lây . Ban đầu báo chí thế giới cũng viết tùm lum về ông Weinstein gì đó là "yêu râu xanh" , riết rồi mấy ông sau này bên chính giới Hoa Kỳ bị vạ , họ chẳng biết dùng chữ nào cho mấy ổng, khi báo chí Hoa Kỳ gán vào tội ... chụp hình mà choàng vai phụ nữ , ôm eo ếch, nắm tay ... là sexual harrashment . Rứa mới chết cửa tứ . Quánh xa quánh gần chẳng qua muốn quánh người chủ sự, nhìn xem cái patterns quánh là đủ biết rồi, cứ xem chuyện bây giờ người ta đang nhờ mấy bà hoa hậu quánh dzô mấy ông bầu sô hoa hậu Chuyện tìm hoa hậu ở Hoa Kỳ diễn ra từ năm xa lắc (1920) gì đó ... Nhưng thôi hông nói chuyện xưa làm gì dính tới chiến tranh nhức đầu lắm . Ngày tôi còn bé, tôi đã mê xem cuộc chấm thi hoa hậu trên tivi . Năm nào cũng vậy họ đều tổ chức tại Atlantic City của tiểu bang New Jersey , nơi có những sòng bài lớn và đẹp nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Duơng , rất thơ mộng bạn ạ . Những năm tôi xem đều là Ông Trump làm chủ sự , trông ông đứng giữa rừng hoa đẹp , thật là mê. Rồi sao tự nhiên đến năm 2016 tôi hổng thấy ông Trump ra làm chủ sự mà lại là ông khác tôi xem chưa quen mắt với ông mới này, nên cũng chẳng để ý ổng làm chi. Vậy mà vào mấy ngày cuối năm nay (2017), ổng chủ sự mới bị lôi ra với tội sexual harrashemt ổng bị tẩy chay , nghĩa là bị "đuổi việc " trong chính cái "công ty tìm nguời đẹp" của mình mà mình đã bỏ tiền ra nuôi . Việc đời thiệt lạ à nha . Ông Trump là chủ sở việc tìm nguời đẹp USA này gần 20 năm (1996 - 2015) , sang năm 2016 tôi mới vỡ lẽ là ông muốn làm chuyện đại sự quốc gia , còn ba cái chiện lẻ tẻ người đẹp thì nhường cho nguời khác . Nay, Ông Trump danh toại nhưng công thành trong năm 2017 cũng nên đáng kể , con đuờng chính trị Ông đi thật nhiều chông gai . Điểm lại những việc chính mà tôi tai nghe mắt thấy trong năm 2017 của Ông Trump:
Ngày 20/1 Trump nhậm chức Tổng thống (thứ 45) : khi không nguời ta đi biểu tình rầm rầm ở Washington . Kể cũng lạ (?)
Tiếp sau đó là các cuộc biểu tình vụ Obamacare . Tôi rất bực mình cái vụ Obamacare này lắm . Dưới thời Obama, đi khai thuế phải có giấy bảo hiếm sức khoẻ, hông có là bị phạt vài ngàn . Ngày truớc không có vụ này đâu . Lạ ghê (?)
Hơn nửa năm, nhiều cuộc biểu tình quá , sinh ra ... nhàm chán . Hông biết chủ sự biểu tình đã cạn tiền hay vì thấy sự "ăn thua" chẳng đi về đâu cả , nên hai ba tháng cuối năm nay tôi hông thấy biểu tình trên tivi nữa thay vào đó là sexual harrashment lại trồi lên như diều gặp gió. Xem ra cách này is more effective hơn, nhưng họ chỉ hạ đuợc vài con nhạn là đà mà thôi , chứ con ưng vẫn soải cánh bay cao , bay thẳng .
...
Họ đã tìm nhiều cách để truất phế Ông Trump nhưng xem chừng họ không có bằng chứng .
Vụ hoa hậu là mới nhất và hót nhất hiện nay , liệu phe đối lập có lôi Ông Trump ra hay không nhỉ . Sang năm mới 2018, hãy thư thái mà xem cảnh nguời đẹp quánh nhau với cánh đàn ông trên sân khấu ... chính trị nhá .
À mà nghĩ cũng lạ , thời Ông Clinton với Monica Lewinsky, chuyện ràng ràng ra đó những vết tinh trùng của ổng còn nằm trên áo xanh của nàng Monica , chuyện này chắc hông phải là sexual misconduct hay sao nhỉ ? "No, I dónt have sex with that woman " . Rồi thì là kết qủa ra sao ? Ông Clinton cũng bình an tại vị và nàng Monica thất điên bát đảo từ dạo ấy. Còn Bà Clinton thì sao ? Chắc bạn đã nghe đến nhàm chán rồi phải không . *** Tôi đã già nhưng tôi vẫn còn thích đồ chơi con nít , trong dịp hè năm 2017 tôi thăm phố Praha của Tiệp , nuớc này có nhiều du khách Nga, nên nơi đây họ cũng nhiều món đồ chơi từ nuớc Nga mang sang bán cho du khách thập phương . Có một lần tôi mang món đồ chơi vô một diễn đàn đố vui để chọc . Ai cũng đoán sai cả . Giờ tôi gửi bạn xem cho vui nhé 1) Hình bên ngoài là ông Clinton. Đố, hộp kế bên trong là ai ?
Bạn trả lời: Hillary Clinton . Ồ Ba Má . Al Gore .
Và đây là kết quả của hộp kế bên trong: Monica Lewimski, với chiếc áo xanh lịch sử có dải tinh trùng của Ông Clinton khô đọng trên áo
Sau câu trả lời đầu tiên của tôi, bạn đọc đã đoán đuợc câu chuyện bên trong
2) Hộp kế bên trong Monica Lewinsky là ai ?
Bạn trả lời: Hiêu Lá Rì . Paula Jones .
Yes, it is Paula Jones
3) Hộp kế bên trong Paula Jones là ai ?
Bạn trả lời: Kathleen Willey. Juanita Broaddrick
Bạn đoán thử bà áo cam này là ai ? 😊 4) What is next ? Câu đố của tôi tới đây đã làm nhiều nguời lấn cấn, các nguời cố tìm xem còn bà nào nữa là tình nhân của Bill Clinton . Các anh chị em trogn diễn đàn lôi ra một lô tên của các bà mà tôi chưa bao giờ nghe qua . Mới thấy cuộc tình vụng trộm của Ông Clinton quá là ... thú vị . Vậy mà báo chí hông gán tội ổng "sexual harrashment". Sau đó, tôi phải vô diễn đàn mà báo tin rằng: Bạn ơi, bạn đã đoán sai hết rồi , vì câu hỏi là "What" chứ hông phái là "Who " . Các bạn tôi mới ngớ nguời ra, bảo tôi: Trời, thì ra bị "Gài Game" ... đương ngon trớn mà sao lại đổi tông vậy cô kia? Bạn trả lời: Xì gà của ổng . Con chim của ổng . Con tim của ổng . Hổng lẽ là "Xì Gà" mà Lewinski giử lại để làm kỷ niệm? . Thịt ba chỉ hun khói . Hamburgơ ... Tôi đọc phần trả lời mà cười đến ngất ngư, mới hé chút xíu : "Là cái vật cong cong ." . Những chữ "cái vật cong cong" làm bạn tôi hoá ... "rồ" . - Đã bảo là xì gà mà cô còn chối là răng ? Tôi lại cuời trả lời
Vâng , bà Hillary bị Ông Clinton cho ra rìa . Đâu ai hiểu bà ấy bằng Ông Clinton . Nếu dân Hoa Kỳ để bà Hillary Clinton thì đất nuớc này sẽ ra sao trong 4 năm nữa . 8 năm qua duới thời Ông Obama đã quá đủ rồi .
Nhân nhắc chuyện foodstamps của xã hội Mỹ , tôi tự dưng nhớ đến foodstamp của Tiệp Khắc.
Hôm đó tôi đi với nhóm vô nhà hàng Việt , có cặp trai gái kia người trắng độ 22 - 24 tuổi trẻ măng đẹp đẽ mạnh khoẻ , họ gọi phở và bún thịt nướng , họdùng đũa ăn rất sành điệu . Anh chị giống như là đang bồ với nhau vậy . Bữa ăn đó là tôi bao, tôi đứng lên tới quầy trả tiên trả tiền thì cặp trai gái kia đứng trước tôi. Thấy anh chàng nắm mấy tờ bạc xanh sáng chói lấp lánh , tôi trông lạ quá mới tò mò: - Xin lỗi anh, anh từ nước nào tới vậy ? - Tôi là người ở đây - Oh, vậy tiền của anh nắm trong tay là tiền nước nào vậy ? Anh ta thiệt thà trả lời : "Tiền này là foodstamps của Tiệp Khắc " Tôimới vỡ lẽ , wowww Tiệp Khắc mà cũng có foodstamps nữa , hồi nào giờ tôi đâu có nghe vụ này. Sau đó anh trả tiền cho bữa ăn cùng với cô bồ bằng tiền foodstamps bao nhiêu thì tôi hổng để ý. Tới phiên tôi trả tiền xong , mới hỏi bà chủ: - Thưa Dì , Dì cho cháu xem mấy tờ bạc của anh chàng trảtrước cháu, được không ạ ? - Vâng , vâng . (người Việt ở Tiệp Khắc toàn dân Bắc kỳ không hà , mà giọng họ nói như búa bổ vậy, âm cao quá như cứa vào tai mình và có rất nhiều người từ vùng "nộn xộn" . Mình nghe chịu hông thấu . Chắc họ gốc là từ dân xuất khẩu lao động của xã nghĩa ) Mình cầm mấy tờ bạc xem , trông nó đẹp hơn tiền foodstamps màu hồng nhạt của Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1980s (chỉ nhớ mang máng thôi ). Tôimới hỏi bà chủ: "Dì cho cháu đổi mấy tờ foodstamps này được không Dì ?" . Bà ấy nhướng mắt nhìn tôi, tưởng tôikhùng. - Cháu nói thiệt đó Dì , cháu thích sưu tầm tem quốc tế và tiền quốc tế . Gặp dịp thấy foodstamps Tiệp Khắc thì Dì cho cháu đổi .
Vậy là bà lôi ra : 2 tờ 100, 1 tờ 80 , 1 tờ 40 , tôi đổi hết ($1 = 24 KC) . Bả mừng
100 đồng tiền foodstamp của Tiệp Khắc,
80 đồng tiền foodstamp của Tiệp Khắc,
40 đồng tiền foodstamp của Tiệp Khắc,
Mặt sau của tiền foodstamp Tiệp Khắc,
Tiền Tiệp Khắc
Nhà hàng Việt ở Praha Tiệp Khắc
Phở ăn với măng chua , hông có giá, húng quế , hông thịt. Phở bò của người Bắc là vậy sao hả chời ? Mình có phải là dân Bắc đâu mà biết, chẳng biết hỏi ai món phở kỳ lạ này
Cơm dzịt nướng. Món này khá nhất trong các món tôi đã ăn qua
Cơm suờn nuớng , khô như miếng vỏ cây
Cần sa điếu bán thoải mái ở Praha Tiệp Khắc
KÍNH CHÚC QUÝ KHÁCH NĂM MỚI DỒI DÀO SỨC KHOẺ , AN KHANG, THỊNH VƯỢNG
Trường thiên tiểu thuyết "Mùa Biển Động" của Nguyễn Mộng Giác (1940-2012) gồm 5 quyển tổng cộng 185 chương qua 1847 trang (Nhà Xuất bản Văn Nghệ, California - Hoa Kỳ):
Tập 1 - "Những Đợt Sóng Ngầm" 1984 Tập 2 - "Bão Nổi" 1985 Tập 3 - "Mùa Biển Động" 1986 Tập 4 - "Bèo Giạt" 1987 Tập 5 - "Tha Hương" 1988
Chiếc thuyền nhỏ mang theo hơn năm mươi người, một nửa là đàn bà và con nít, ra khơi hai ngày thì gặp bão. Chúng tôi may mắn được một chiếc tàu chuyên chở dầu hỏa của Na Uy trên đường từ Nhật sang Singapore cứu vớt. Hai ngày sống trên tàu chúng tôi có cảm giác như đang ở trên một thiên đàng. Tất cả đều được tận tình hỏi han chăm sóc. Chúng tôi cảm thấy vừa mừng vừa xót xa khi nhận ra thế gian này vẫn còn có đầy ấp tình người. Họ là những kẻ xa lạ, không cùng màu da, màu tóc, không cùng ngôn ngữ, mà lòng thông cảm yêu thương họ đã dành cho chúng tôi lớn lao biết đến dường nào. Trong lúc những “người anh em” cùng một nhà thì lại hành hạ đuổi xô chúng tôi đến bước đường cùng để phải đành lòng bỏ nước mà đi. Với ân tình đó chúng tôi chọn Vương quốc Na Uy là quê hương thứ hai để gởi gấm phần đời còn lại của mình và vun đắp tương lai cho mấy đứa con nhỏ dại.
Sau gần một năm ở trại tị nạn, gia đình chúng tôi được đi định cư. Khi bầu đoàn thê tử như một bầy nai vàng ngơ ngác bước xuống phi trường Oslo, được nhiều người đón tiếp, trong đó lại có cả mấy ông nhà báo và đài truyền hình nhà nước phỏng vấn, quay phim. Gốc nhà quê, nên tôi cũng chẳng biết họ quay phim để làm cái gì. Trước khi về nhà, chúng tôi còn được mời vào một nhà hàng Tàu, và tha hồ gọi bất cứ thức ăn nào mình thích.
Đến khi bước vào ngôi nhà, được bà trưởng phòng xã hội trao cho một chùm chìa khóa, dẫn đi một vòng xem phòng ốc đã được trang trí xong nội thất, cái bếp và cả cái tủ lạnh có sẵn đầy đủ thức ăn nước uống, một cái TV màu. Mọi thứ đều mới tinh. Sáu đứa con và hai đứa cháu họ của tôi thì ngồi mân mê mấy cái bàn học, và mấy cái ba lô có đầy đủ sách vở trong đó. Trước khi ra về bà giới thiệu chúng tôi một cô nhân viên của bà, và một cô giáo ở lại hướng dẫn chúng tôi xử dụng mọi thứ tiện nghi trong nhà, và mỗi ngày sẽ đến đưa gia đình chúng tôi đi mua sắm, khám bệnh, làm răng, còn cô giáo thì đặc trách lo việc học hành cho mấy đứa nhỏ. Khi tất cả ra về, tôi nằm dài dưới sàn nhà và chợt khám phá ra rằng mình quả là may mắn được đến định cư ở một nước Bắc Âu xa lạ nhưng thơ mộng và có quá rộng tấm lòng này, mà lúc xuống biển ra đi chắc chẳng có ai bao giờ nghĩ tới.
Buổi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần trước cái TV. Thằng con trai lớn ra điều mới học được văn minh, bấm tới bấm lui tìm đài. Cả đám bất ngờ nhìn thấy dung nhan của mình trên màn ảnh. Thì ra chương trình phóng sự. Họ đang kể về gia đình chúng tôi: “những công dân mới của Na Uy, mà ông bố đã từng ở tù nhiều năm, giống nhiều người Na Uy bị nhốt trong các trại cải tạo của Đức quốc xã, cái thời Hitler làm mưa làm gió ở Âu châu, và đã can đảm dắt theo sáu đứa con và hai đứa cháu nhỏ vượt đại dương trên một chiếc thuyền đánh cá mong manh”. Nghe họ ca ngợi mình mà tôi xấu hổ. Dù gì tôi cũng là kẻ bỏ nước tha phương, với họ, ít nhiều gì cũng là một cành tầm gởi. Còn chuyện vượt biển, vượt biên, đến bước đường cùng thì ai cũng phải liều mạng thế thôi, chứ có hàng triệu người còn can đảm gấp vạn lần tôi. Nhiều người đi bằng đường bộ, trèo núi, băng rừng, lội suối, bơi sông, qua Cam Bốt, Thái Lan, để vài năm sau mới đến được Singapore. Và dĩ nhiên đã có biết bao nhiêu người chẳng bao giờ tới bến.
Cũng vì cái chương trình phóng sự bất ngờ này, mà sau đó, mỗi ngày gia đình chúng tôi phải tiếp nhiều người khách không mời, và nhận đủ thứ quà. Trong số đó, đặc biệt có một người đàn bà Việt Nam, mà lúc bà mới bước vào nhà, chúng tôi cứ tưởng là người Nhật, hay là người Tàu gì đó, khi nhìn thấy cái vẻ quí phái đặc biệt của bà. Tôi nghĩ có lẽ không có người Việt Nam nào sống ở cái xứ Bắc Âu xa lạ này từ lâu để có được nét đẹp của một người con gái đông phương pha lẫn âu tây ở cái tuổi còn trẻ như bà. Sau đó tôi bất ngờ thú vị khi bà tự giới thiệu tên là Huyền-Trân Thomassen, hiện là giảng sư môn nhân chủng xã hội học tại trường đại học Oslo, chồng bà là người Na Uy, hiện đang làm đại sứ tại Mexico. Bà không muốn bỏ nghề bà yêu thích, hơn nữa bà vẫn còn tiếp tục nghiên cứu về ngành này, nên không theo chồng mà ở lại Na Uy với hai đứa con. Lúc nhỏ bà theo cha sang sống ở Thụy Sĩ, khi cha bà là đại sứ của VNCH tại đó. Người chồng của bà, cũng thuộc một gia đình có truyền thống ngoại giao. Cha của ông cũng một thời là đại sứ của Na Uy tại Thụy Sĩ. Hai người con của hai ông đại sứ quen nhau từ khi học chung một trường trung học và làm đám cưới sau khi tốt nghiệp đại học tại thủ đô Bern, một năm trước khi miền Nam Việt Nam thất thủ.
Tôi rất ngưỡng mộ người đàn bà trẻ này. Rời Việt nam từ lúc 12 tuổi, nhưng bà nói tiếng Việt rất lưu loát, hiểu biết rất nhiều về văn học Việt nam, từ truyện Kiều của Nguyễn Du, đến bài thơ Hai Sắc Hoa Ty Gôn của TTKH. Điều đặc biệt hơn hết là bà rất quí mến và giúp đỡ tận tình người đồng hương. Gia đình tôi cũng mang nặng khá nhiều ơn nghĩa của bà.
Những ngày sống hạnh phúc ở quê người, nhìn con cái ngày một lớn lên và đang có cả một bầu trời xanh bao la trước mặt, lúc nào tôi cũng chạnh lòng nhớ lại cái thời mình khốn khó và những bạn bè xưa. Tôi thấy mình nợ nần nhiều người mà không biết làm sao trả được. Trong số này, người mà tôi thường nghĩ tới nhiều nhất và ân hận chẳng giúp được điều gì là Nguyễn Thượng Tâm, người đồng đội và cũng là đứa em kết nghĩa của tôi.
* * *
Tâm ra trường sau tết Mậu Thân. Về trình diện đơn vị tôi khi vừa tròn 18 tuổi. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng được đào tạo từ lúc còn nhỏ tại trường Thiếu Sinh Quân nổi tiếng ở Vũng Tàu nên Tâm là một hạ sĩ quan gương mẫu trong kỷ luật và gan dạ trong chiến trường. Tâm hiền lành và rất ít nói. Nhưng không phải vì vậy mà tôi trở thành thân thiết với Tâm và hai thằng kết nghĩa anh em, nếu không có buổi sáng mồng một Tết năm 1969, khi đơn vị chúng tôi tạm dừng quân trong một ngôi làng hoang đổ nát nằm sâu giữa những động cát nơi giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy lúc trước.
Dù đang hành quân, nhưng biết hôm đó là mồng một Tết, tôi thức dậy thật sớm, thay bộ đồ trận mới, đi một vòng chúc tết anh em. Ngày đầu năm, nằm giữa một khu hoang tàn không một bóng người, chắc ai cũng chạnh lòng nhớ tới gia đình. Chiếc radio từ một căn lều poncho nào đó đang phát ra tiếng hát nỉ non của ca sĩ Duy Khánh, trong bản nhạc Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân, làm lòng tôi càng thêm lắng xuống. Đến cuối ngôi làng, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng sụt sùi. Lại gần tôi mới nhận ra Tâm. Anh ta đang quì lạy trước một cái bàn thờ được kê bằng cánh cửa sổ của căn nhà nào sập xuống. Trên bàn thờ dã chiến, tôi thấy có mấy cái hoa rừng cấm trong cái bi đông nước, hai bát cơm bằng gạo sấy và một lon guigoz có lẽ chứa nước trà hay canh nấu bằng lá giang hay lá tàu bay gì đó. Tâm khấn vái một lúc, quay lại bất ngờ nhận ra tôi. Tâm đưa tay chào và cũng như mọi khi, không nói một lời nào. Có lẽ Tâm biết là tôi đã đứng im lặng ở đây từ lâu lắm. Tôi bước tới nắm chặt tay Tâm, kéo anh đứng lên. Tâm vội rút tay ra lau nước mắt. Tôi đến trước bàn thờ vái một vái, rồi vỗ vai Tâm:
– Em cúng bố mẹ à. Sao đầu năm mà buồn quá vậy em.
– Không, bố em còn ở ngoài Bắc, em không biết là còn sống hay đã chết. Mẹ em thì đã qua đời lúc em còn bé lắm. Nhà em ở tận Ý Yên, nhưng bố em đi làm xa, nên phải gởi hai anh em em xuống nhà ông chú ở Hà Nội học, rồi theo gia đình chú ấy xuống tàu há mồm vào Nam luôn.
– Còn anh của em bây giờ ở đâu? Tôi hỏi
– Anh ấy chết rồi. Anh là sĩ quan thủy quân lục chiến, tử trận đúng ngày mồng một tết Mậu Thân ở ngay Sài Gòn. Hôm nay là giổ đầu của anh ấy.
– Anh em tên gì?
– Nguyễn Thượng Minh, khi chết anh vừa mới lên trung úy.
Tôi giật mình. Cái tên Nguyễn Thượng Minh làm tôi nhớ ngay đến một thằng bạn cùng tên hồi còn tiểu học. Tôi hỏi Tâm:
– Vậy có phải em là cháu của thầy giáo Nguyễn Thượng Cầu?
– Dạ phải, nhưng chú Cầu đã chết lâu rồi. Tâm trả lời rồi nhìn tôi ngạc nhiên.
Năm 1954, tôi đang học lớp nhì trường huyện Vạn Ninh. Nhập học được vài tháng, thì thầy hiệu trưởng Nguyễn Công Tố dắt ba đứa học trò lạ vào lớp giới thiệu với cô giáo Kiệt rồi dặn dò đám học trò chúng tôi:
– Hôm nay trường nhận thêm những em học trò mới, trong đó có ba em vào lớp này. Tất cả các em phải biết yêu thương và giúp đỡ những người bạn này, vì họ đã vừa phải bỏ quê hương, gia đình ngoài miền Bắc, di cư vào đây. Đó cũng là lời kêu gọi của Ngô Thủ Tướng.
Hai thằng con trai và một đứa con gái cúi đầu chào cô giáo rồi quay xuống chào chúng tôi bằng thứ tiếng lạ hoắc khó nghe. Thằng lớn con nhất được cô Kiệt chỉ cho ngồi dãy bàn cuối lớp, ngay phía sau tôi.
Đến giờ ra chơi, bọn tôi bu quanh “phỏng vấn” nó đủ điều. Tên nó là Nguyễn Thượng Minh. Nó và thằng em nhỏ hơn bốn tuổi, nhà ở quê, mẹ chết sớm, ông bố đi làm xa, nên phải gởi anh em nó xuống Hà Nội ở nhà ông chú để học hành, hơn nữa ông lại là thầy giáo. Khi có lệnh di cư, ông chú không liên lạc được bố nó, nên dắt hai anh em nó xuống tàu há mồm vào Nam luôn, rồi được chính quyền phân phối đến định cư ở quê tôi, Vạn Giã, cùng với hơn mười gia đình khác. Nó bảo vài hôm nữa ông chú nó cũng sẽ được sắp xếp cho vào dạy lớp ba trường này, thay cho một ông thầy thuyên chuyển đi nơi khác.
Nó lầm lì ít nói, chắc ngại cái tiếng Bắc Kỳ xa lạ của nó. Nhưng không phải vì điều đó mà làm cho tôi ghét nó, và đã có nhiều lần đánh lộn với nó nữa. Lý do chính là nó đánh bi rất giỏi, giành mất giải quán quân của tôi trong lớp. Nó đánh bi khác với chúng tôi. Chúng tôi để viên bi lên đầu ngón tay giữa rồi bắn đi, còn nó đặt viên bi trong lòng bàn tay và bắn đi bằng ngón tay cái. Vậy mà nó ăn tôi sạch túi. Bọn tôi bảo là nó ăn gian, không được chơi kiểu bắc kỳ của nó mà phải chơi theo kiểu trung kỳ của bọn tôi. Nhập gia phải tùy tục. Nó cô đơn một mình nên chịu thua, phải trả lại cho tôi tất cả viên bi nó thắng ngày hôm đó. Vậy mà hai hôm sau nó chơi trở lại, dĩ nhiên với cái kiểu hoàn toàn mới lạ với nó, nhưng nó vẫn thắng tôi oanh liệt. Cuộc đấu bi này bây giờ không phải chỉ giữa cá nhân hai thằng: tôi với nó, mà giữa hai miền nam-bắc, cho nên học trò trai gái cả trường bu quanh làm khán giả. Tôi thua trắng tay, mất luôn chức vô địch từ lớp năm đến bây giờ. Dĩ nhiên là tôi ức lắm. Điều ghê gớm hơn nữa, là chỉ có cuối tháng đầu tiên nó đứng hạng ba trong lớp, lên nhận bảng danh dự sau tôi, nhưng kể từ tháng thứ nhì trở đi nó đều chiếm hạng nhất. Tôi đâm ra hận nó, có nó là tôi mất tất cả. Mấy lần tôi nhại tiếng Bắc chọc quê nó, nó cũng chỉ cười, tôi nghe lời xúi của lũ bạn, bảo nó rờ sau “đít” coi có còn tòn ten cọng rau muống nào không, nó chỉ im lặng. Có lần bọn tôi xô nó ngã, nó chỉ cười, đứng dậy rồi phủi bụi trên áo quần. Tôi thua nó, nhưng cố làm ra vẻ tự mãn: “nó vẫn chỉ là một anh hùng cô đơn, không có ai chơi với nó”.
Đùng một cái nó nghỉ học. Chẳng có ai biết lý do. Nhưng rồi vài ngày sau nó tới trường, nhưng không phải để học mà để bán bánh mì và cà rem. Cô giáo và bạn bè hỏi, nó khóc và bảo là bà thím, sau khi cãi vã với chú nó một trận, không nuôi hai anh em nó nữa, nó phải tự “khắc phục” để còn nuôi một thằng em nhỏ. Hôm đó bọn tôi nhiều thằng cũng khóc theo với nó. Chờ cho tất cả vào lớp, tôi ở nán lại chỉ để ôm nó và nói một lời xin lỗi về những điều đã qua. Nó nhìn tôi thân thiện, và bảo là nó chưa hề để tâm tới điều ấy. Tôi “tâm phục khẩu phục” nó. Nó còn nhỏ mà thông minh và thánh thiện hơn tôi nhiều.
Tôi bèn làm ngay một cuộc “quảng cáo” cho bánh mì và cà rem của nó, vì vậy hôm nào nó mang mọi thứ tới trường là bán sạch ngay trong giờ ra chơi buổi sáng. Sau đó tôi còn kêu gọi một cuộc lạc quyên giúp nó: gạo, tiền xu, tiền cắc, áo quần, có thằng còn mang tới cho nó cả buồng chuối và một trái mít nữa.
Rồi nó cũng được chính quyền giúp đỡ, tôi nghĩ như thế, nên vài tuần sau nó trở lại lớp học, và chỉ bán bánh mì trong giờ ra chơi. Nó vẫn học giỏi, vẫn đứng đầu lớp, nhưng lần này nó không còn là anh hùng cô đơn nữa mà nó có đông đảo bạn bè, mà thằng thân nhất chính là tôi.
Ông chú nó, thầy giáo Nguyễn Thượng Cầu, cũng đã vào trường dạy lớp ba, nhưng bây giờ anh em nó không còn ở chung với ông chú nữa, mà chỉ đến thăm ông vào những cuối tuần. Có khi nó dắt tôi đi theo. Vì vậy tôi mới bíết ông thầy, chú nó sợ bà vợ Bắc kỳ còn hơn sư tử, nên chẳng dám bênh vực nhiều anh em nó, mặc dù ông rất đau lòng xót xa khi bọn nó phải dọn ra ở ké nhà một gia đình người di cư khác.
Tôi mất mẹ, cha tôi cũng đi làm xa, nên tôi thông cảm hoàn cảnh của Minh, nên thường đưa anh em nó về nhà ông bà nội tôi và chơi với đám anh em họ hàng của tôi.
Khi xong tiểu học, tôi vào Nha Trang học trung học, cũng là lúc phải chia tay nó. Bởi Minh cũng vừa theo một số người di cư vào tận khu định cư Phước Tỉnh nào đó ở trong nam, người ta bảo trong ấy làm ăn khấm khá hơn ở quê tôi nhiều lắm. Từ đó, tôi không gặp lại nó, mặc dù trong ký ức tuổi ấu thơ của tôi, lúc nào hình ảnh nó cũng in lên đậm nét.
Không ngờ hôm nay, giữa chiến trường xa xôi này tôi lại bất ngờ gặp lại thằng em duy nhất của Minh, và lòng tôi lắng xuồng khi biết nó cũng từng là lính đánh giặc và đã hy sinh đúng ngày này năm trước: ngày mồng một Tết. Cái ngày mà lời chúc Tết của ông Hồ Chí Minh trên đài phát thanh Hà Nội chính là cái mật lệnh “Tổng Công Kích Tết Mậu Thân” để giết hại bao nhiêu người vô tội, đặc biệt hàng vạn người ở Huế bị chôn sống. Cũng là cái ngày người ta nhận diện được bọn trí thức, sinh viên phản trắc, đã giết hại bao nhiêu thầy, bạn của chính mình.
Sau đó, tôi rút Tâm về làm việc bên cạnh tôi, phụ trách toán quân báo gồm toàn những người lính trẻ. Chúng tôi yêu thương nhau như anh em. Rồi vào một đêm trăng sáng, dưới sự chứng giám của đất trời, tôi đã nhận Tâm là đứa em kết nghĩa, sau lần Tâm liều mình cứu tôi thoát chết trong một cuộc phục kích ở Thiện Giáo. Đổi lấy sự an toàn cho tôi, Tâm phải mất hai ngón tay của bàn tay trái và nằm bệnh viện hơn một tháng để được giải phẩu lấy một mãnh đạn nằm trong sâu trong thanh quản. Sau khi xuất viện, Tâm phát âm tương đối khó khăn. Được hội đồng giám định y khoa xếp vào loại không còn khả năng chiến đấu, Tâm có thể chọn về một đơn vị hành chánh hay tiếp vận nào mà Tâm thích, nhưng Tâm một mực chối từ và nằng nặc đòi trở lại đơn vị cũ. Tâm xác nhận là mình vẫn còn khả năng chiến đấu, hai ngón tay của bàn tay trái và giọng nói khó khăn một chút không gây trở ngại nhiều cho một người lính chiến trường. Cuối cùng Tâm được toại nguyện.
Tôi vừa vui mừng vừa cảm động khi Tâm trở về trình diện. Tâm bảo sống chết gì em cũng muốn ở bên anh. Vì gia đình em có còn ai nữa đâu. Đơn vị này là gia đình của em. Tôi sắp xếp cho Tâm một công việc tạm thời ở hậu cứ để tiếp tục chữa bệnh. Chỉ sau vài tháng giọng nói của Tâm gần trở lại bình thường. Tâm nghe lời tôi xin vào khóa Sĩ Quan Đặc Biệt ở Thủ Đức. Tâm được ưu tiên thu nhận vì gốc TSQ.
Ra trường đúng vào mùa hè đỏ lửa 1972, Tâm lại xin trở về đơn vị cũ, lúc này đang ngày đêm nằm trong lửa đạn ở mặt trận Kontum. Năm tháng sau, tôi bị thương, được tản thương về Quân y viện Pleiku nằm điều trị gần một tháng. Xuất viện, được điều về Phòng Hành Quân. Cả tháng tôi không gặp lại Tâm, nhưng ngày nào chúng tôi cũng liên lạc trên hệ thống vô tuyến.
Cuối năm 1973, chiến trường lắng dịu. Tâm xin phép về Sài Gòn cưới vợ. Vợ Tâm là cô bạn nhỏ ngày xưa trong cùng một viện mồ côi. Bây giờ là cô giáo. Hai người gặp lại và tình yêu nẩy nở trong thời gian Tâm học ở trường Thủ Đức. Cả vợ chồng tôi đều có mặt trong ngày cưới, và làm chủ hôn bên họ nhà trai. Đám cưới xong, tôi vận động xin cho vợ Tâm được chuyển lên dạy tại một trường tiểu học nằm trong thành phố Pleiku, để vợ chồng được gần gũi nhau hơn.
Đầu tháng 3/1975 Ban Mê Thuột thất thủ, bản doanh Bộ Tư lệnh SĐ 23 BB bị tràn ngập sau một phi vụ bắn nhầm. Ông Tư Lệnh Phó cùng ông tỉnh trưởng Đắc Lắc bị bắt. Hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 44 được trực thăng vận nhảy xuống đầu tiên ở Phước An, quận duy nhất còn lại của tỉnh Đắc Lắc, nhằm vừa ngăn chặn địch quân tràn xuống Khánh Dương theo Quốc lộ 21, vừa tái chiếm thị xã Ban Mê Thuột khi tình hình cho phép. Tâm có mặt trong toán quân đầu tiên này. Tôi không gặp được Tâm nhưng có liên lạc nói chuyện vài lần trong máy vô tuyến. Tâm rất đau lòng khi phải bỏ vợ và đứa con gái ba tuổi trên Pleiku, trước khi gởi gấm cho anh trung sĩ tiếp liệu đại đội cố dắt theo cùng đoàn quân triệt thoái về tỉnh lộ 7, bây giờ không biết ra sao. Tâm khẩn khoản nhờ tôi tìm mọi cách liên lạc và giúp vợ con mình. Tôi lấy cái tình anh em kết nghĩa mà thề với Tâm là tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Không ngờ, đó là một kế hoạch triệt thoái tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đã làm mất biết bao nhiêu sinh mạng, kéo theo sự sụp đổ cả miền Nam. Ra tận Tuy Hòa, đứng đón dòng người tả tơi, nét mặt còn đậm nỗi kinh hoàng, họ vừa trải qua và chứng kiến biết bao nhiêu cái chết thê thảm để được đến bên này bờ con sông Ba nhuộm máu, tôi nghĩ là tôi chẳng còn có cơ hội nào gặp lại vợ con Tâm. Trở lại Khánh Dương, đúng lúc Phước An thất thủ và đơn vị của Tâm đã phải tan hàng, tôi gặp lại vị chỉ huy của Tâm ở Dục Mỹ, ông xác nhận là trung úy Nguyễn Thượng Tâm đã nằm lại trên đỉnh đồi Chu Cúc, khi chiến đấu tới viên đạn cuối cùng rồi tự sát trước một biển người của địch quân tràn lên chiếm giữ.
* * *
Hơn sáu tháng định cư ở Na Uy, cả nhà tôi lúc nào cũng miệt mài để sớm hội nhập vào quê hương mới. Thời gian qua nhanh quá. Mới đây mà chúng tôi cũng đã tập tành tổ chức ngày lễ Giáng Sinh và ăn cái tết Tây đầu tiên theo truyền thống của Nauy. Sau đó bận bịu đi học đi làm, và cũng chẳng có cuốn lịch Âm lịch nào để biết ngày nào là Tết Ta, Nguyên Đán. Một buổi tối vợ chồng tôi đang ngồi cãi nhau về thời điểm giao thừa để thắp một nén hương tưởng nhớ ông bà, thì điện thoại reo. Bà Huyền-Trân Thomassen gọi, mời cả nhà chúng tôi tối mai lên ăn tết với gia đình, chồng bà từ Mexixo cũng mới trở về. Bà cho biết bây giờ đã là sáng mồng một Tết bên Việt Nam. Thì ra, chúng tôi tệ quá, mới rời khỏi Việt Nam hai năm mà không còn nhớ ngày tết và tổ chức mừng Tết như bà. Tôi cám ơn và nhận lời bà xong, vội vàng thắp mấy nén hương tạ tội ông bà. May mắn ngày mai là thứ bảy.
Bà biết gia đình chúng tôi có tới mười người mà chỉ có một cái xe Ford vừa nhỏ vừa cũ, nên bà đặt một chiếc taxi tám chỗ ngồi lại đón chúng tôi. Bà xã tôi chỉ huy bầy con gái trên chiếc taxi, còn tôi lái xe chở đám con trai chạy theo sau. Trời thật lạnh, tuyết rơi trắng cả bầu trời. Chúng tôi phải chạy gần một tiếng đồng hồ mới tới nhà bà. Bà ở trong một ngôi biệt thự khá xinh, cách trường đại học Oslo, nơi bà dạy, chừng năm phút lái xe. Trong phòng khách bà trang trí giống như tết ở Việt Nam, đặc biệt có cả một cành mai thật to (một loài hoa Bắc Âu nở hoa vào mùa đông, nhìn giống như hoa mai) trong một cái bình sứ lớn, nằm ở giữa nhà. Chồng bà rất phúc hậu, và nói được một ít tiếng Việt. Khi giới thiệu ông với chúng tôi bà đùa:
– Hoàng đế Chế Mân của tôi đây.
– Không, tôi là Trần Khắc Chung. Ông vừa đưa tay bắt tay tôi vừa đùa.
Ông ta khá am tường về lịch sử Việt nam. Ông cũng biết khá nhiều và có những nhận định khá công bình về cuộc chiến Việt nam. Ông cho biết là lúc cuộc chiến Việt Nam đang ác liệt, khi ấy ông là trưởng ban ngoại giao của Quốc Hội Na Uy, đã phản đối kịch liệt những nhóm tả khuynh và đặc biệt là những nhận định và việc làm của ông Olaf Palma, thủ tướng Thụy Điển, người đã hô hào ủng hộ Bắc Việt và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận cho binh lính Mỹ đào ngũ đến dung thân ở nước ông. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhìn hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, ông vừa kịp phản tỉnh thì cũng bị ám sát chết.
Bữa ăn còn có cả dưa hành, thịt kho và bánh chưng. Tôi phục bà và thấy xốn xang nhớ những ngày tết lúc tôi còn nhỏ ở quê nhà.
Ăn uống xong, bà còn lì xì bì thơ màu đỏ cho mấy đứa con và mấy đứa cháu của tôi. Tôi đành phải ngượng ngùng xin lỗi vì không chuẩn bị kịp quà cáp cho hai đứa con của bà. Nhưng bà rất khéo léo, khi bảo sự có mặt của gia đình chúng tôi trong thời khắc đặc biệt này đã là một món quà vô giá, rất có ý nghĩa cho mẹ con bà.
Tôi thay mặt gia đình cám ơn, chúc tết ông bà và gia đình. Tôi cũng nói lên lòng ngưỡng mộ của chúng tôi đối với một người đã xa quê hương lâu ngày và lập gia đình với một người ngoại quốc mà vẫn còn giữ được truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, trong lúc một số người mới chân ướt chân ráo sang đây đã vội tập tành thành người bản xứ, muốn quên hết nguồn cội của mình.
Chia tay bà lúc gần mười hai giờ đêm. Đường sá vắng tanh. Tuyết vẫn rơi kín bầu trời. Không quen lái xe trên tuyết, tôi chạy thật chậm. Khi đến trước khu đại học Blindern, tôi thấy có một người đứng dưới tàng cây thông, đưa tay đón. Tôi dừng xe lại. Một cô gái chạy tới xin quá giang về nhà, vì cô dự tiệc tối ra, đã gọi taxi khá lâu mà không thấy tới. Tôi bảo đứa con trai lớn của tôi ra ngồi ở băng sau, nhường ghế trước cho cô gái. Khi cô lễ phép chào tôi, và bắt tay mấy cậu con và cháu của tôi ngồi ở băng sau, tự giới thiệu tên Anita rồi ngồi lên ghế, tôi mới nhận ra cô gái gốc Á đông, nhưng phát âm tiếng Na Uy và điệu bộ hoàn toàn như người bản xứ. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô đang run vì lạnh. Cô chỉ mặc một cái áo khoác mỏng. Tôi dừng xe, cởi cái áo choàng bằng lông cừu choàng qua vai cô. Gương mặt cô bé xinh xắn dễ thương, nhưng phảng phất buồn. Tôi hỏi cô bé đến từ nước nào. Cô cho biết cô được cha mẹ nuôi người Na Uy nhận mang về đây lúc chưa tròn ba tuổi, nên cô chẳng biết gì.
Sau này lớn lên, cô mới được cha mẹ nuôi kể lại là cô được Cơ quan Bảo Trợ Nhi Đồng LHQ nhận từ một viện mồ côi ở Việt Nam vào năm 1975. Ông bà xin nhận cô làm con nuôi từ Cơ quan này. Cô bé rất mong muốn được trở lại Việt nam một lần, để biết nơi mình sinh ra và nhờ người tìm lại tông tích, mồ mả của cha mẹ ruột. Cô sẽ xây mộ cho ông bà. Cha mẹ nuôi có hứa sẽ đưa cô về sau khi cô học xong trung học, và khi nào việc xin visa vào Việt Nam dễ dàng hơn. Nhà cô không xa nơi tôi ở, có lẽ không quá hai mươi phút lái xe. Khi qua hết mấy khu rừng thông thanh vắng, cô chỉ ngôi nhà lớn nằm lưng chừng trên một ngọn đồi, bảo tôi dừng lại phía dưới. Cô sẽ đi lên bằng con đường tắc. Cô cám ơn tôi, cởi trả lại tôi cái áo choàng. Cô hỏi xin tôi một mảnh giấy, viết địa chỉ xong rồi đưa lại cho tôi. Cô mời tôi đến Lễ Phục Sinh ghé lại nhà cô chơi. Vì chỉ còn một ngày nữa cô phải đi London tiếp tục theo học một năm chương trình trao đổi học sinh. Cha mẹ nuôi của cô rất thích nói chuyện với người Việt Nam, nhất là những người đã từng tham gia cuộc chiến. Tôi hứa với cô là thế nào tôi cũng đến thăm cô cùng ông bà cha mẹ nuôi tốt bụng.
Về nhà, khi kể lại chuyện cô bé quá giang cho vợ và mấy cô con gái nghe, tôi mới nhận ra một điều: sao tôi lại có duyên với những người mồ côi đến thế. Suốt cả đêm hôm ấy tôi nằm trằn trọc nghĩ đến thân phận mình và nhớ thật nhiều đến Nguyễn Thượng Tâm, người mà tôi đã từng nhận làm đứa em kết nghĩa, nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa làm tròn được lời thệ ước của mình.
* * *
Ðến Lễ Phục Sinh, nhớ lời hẹn, tôi rủ bà xã và hai cô con gái lớn đến thăm cô Anita. Bây giờ là đầu tháng tư mà tuyết vẫn còn rơi trắng cả bầu trời. Nhờ ban ngày nên tôi thấy rõ nhà cô hơn. Ngôi nhà có dáng của một lâu đài, cổ kính, sang trọng. Chung quanh là một hàng thông. Chủ ngôi nhà chắc đã trọng tuổi và giàu có. Ngần ngừ một lúc, tôi bấm chuông. Đúng như tôi nghĩ, người mở cửa là một bà già khoảng trên bảy mươi, nhưng còn khỏe mạnh và nói năng vui vẻ lịch thiệp. Bà ngạc nhiên nhìn tôi, và hỏi tôi đến có việc gì bất ngờ mà bà không đuợc báo trước. Tôi xin lỗi, giới thiệu tên mình và cho bà biết là tôi có hẹn với cô Anita, con gái của bà, đến thăm cô ấy và vợ chồng bà. Có lẽ cô Anita quên, không kể chuyện lại với bà. Bà tròn mắt ngạc nhiên:
– Anita nào? vì đứa con gái duy nhất của chúng tôi đã chết rồi mà.
Bây giờ đến lượt tôi ngơ ngác. Tôi kể cho bà nghe chuyện tôi gặp cô Anita trước cổng trường đại học hồi tháng hai, và cho cô quá giang về đây lúc nửa đêm. Bà mời tôi vào nhà, chỉ cho tôi tấm ảnh treo trên vách.
– Đây chính là cô Anita mà tôi đã gặp, trước khi cô trở lại London để tiếp tục học. Tôi nói to như để xác nhận với bà.
Bà nhìn tôi sụt sùi hai dòng nước mắt.
– Ðúng rồi, sau lần về thăm nhà và cũng để khám bệnh ấy, thay vì trở lại trường, con tôi phải vào bệnh viện, do một mảnh đạn nằm sâu trong tim từ lúc cháu ba tuổi, và cháu qua đời sau đó một tuần. Trước đây, bác sĩ có khám và chụp hình, nhưng bảo mảnh đạn nằm ở một vị trí khá an toàn, và rất nguy hiểm nếu phải giải phẩu. Không ngờ cháu lại chết vì chính mảnh đạn từ thời chiến tranh này.
Bà ra nhà sau lên tiếng gọi ông chồng, kể cho ông nghe câu chuyện tự nãy giờ. Ông đến chào tôi, và bảo tôi chờ ông bà mặc áo lạnh rồi sẽ dẫn tôi ra nghĩa trang, nằm không xa ở phía sau nhà, thăm ngôi mộ cô con gái.
Ngôi mộ phủ đầy tuyết trắng. Bà đưa tay phủi lớp tuyết trên tấm bia, hàng chử khắc sâu trên bia: ANITA NGUYEN HILDE. Nhìn tấm ảnh trên mộ bia, tôi có cảm giác dường như cô cũng đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi đứng trước mộ, chấp hai tay khấn nguyện một đôi điều. Ông bà chủ nhà sụt sùi, bảo với tôi đó là cô con gái duy nhất mà ông bà hết lòng thương quí. Từ khi cô ta qua đời, ông bà chẳng còn thiết tha bất cứ thứ gì trên cõi đời này nữa. Đưa tôi trở lại nhà, ông châm củi thêm vào lò sưởi, rót mời tôi một tách cà phê nóng. Ông bảo nếu cô không chết thì mùa hè này ông bà sẽ đưa cô về thăm quê hương nguồn cội ở Việt Nam. Riêng cha mẹ ruột của cô thật sự đã chết trong chiến tranh rồi.
Dường như vừa nhớ lại một điều gì, ông đứng lên bước tới kệ sách, quay lại nói vói tôi:
– Trong hồ sơ của con tôi, người ta có ghi chú: Khi hấp hối, mẹ cháu có trăn trối nhờ người mang nó về một viện mồ côi mà bà quen. Bà có để trong túi áo quần của đứa con một tấm hình khi vợ chồng bà làm đám cưới. Sau tấm hình có ghi tên và đơn vị của ba cháu. Đó cũng là dấu tích duy nhất về gốc gác của cô con gái nuôi yêu dấu của chúng tôi.
Tôi chưa kịp hỏi, ông đã đưa cho tôi tập album, và chỉ cho tôi một tấm ảnh đen trắng ngã màu vàng sậm, được dán ngay ở trang đầu. Nhìn tấm ảnh, tôi giật thót cả người, như đang bị mộng du vào một cõi xa xăm nào đó: hai người trong tấm ảnh chính là vợ chồng Nguyễn Thượng Tâm, người em mồ côi kết nghĩa mà chúng tôi đã lạc mất nhau trong những ngày cuối của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Có những buổi chiều cuối thu, sương mù phủ xuống âm u khắp núi rừng Kỳ Sơn, một mình đi giữa hàng lau bạc trắng. Cái tĩnh mịch hoang vắng của đất trời, cơ hồ chỉ cần một tiếng chim kêu cũng đủ làm giao động cảnh trí mênh mông của buổi chiều thêm hiu quạnh. Những giây phút lắng đọng tâm tư như thế, tôi thường hay nhớ đến những khúc ca ngắn của bài thơ Mầu Cây Trong Khói của Hồ Dzếnh, đã được Dương Thiệu Tước phổ thành ca khúc Chiều:
Trên đường về nhớ đầy Chiều chậm đưa chân ngày Tiếng buồn vang trong mây… Chim rừng quên cất cánh Gió say tình ngây ngây Có phải sầu vạn cổ Chất trong hồn chiều nay? Tôi là người lữ khách Màu chiều khó làm khuây Ngỡ lòng mình là rừng Ngỡ hồn mình là mây Nhớ nhà châm điếu thuốc Khói huyền bay lên cây…
Lời thơ của Hồ Dzếnh như một định mệnh theo tôi đến suốt đời. Tôi đã thuộc duy nhất bài hát này, khi còn lẻ loi một mình ở rừng núi Thượng Đức. Đại Lộc. Ái Tử. Trên Phá Tam Giang. Hay buổi chiều lang thang ven những ngọn đồi Đà Lạt. Và cuối cùng ở những con đường dưới chân núi Kỳ Sơn ở quê nhà.
Nhà thơ Hồ Dzếnh, thân sinh ông là ông Hà Kiến Huân, người Quảng Đông, có thể vì sinh kế nên lưu lạc đến Việt Nam, và đã sang một chuyến đò duyên nợ với cô lái tỉnh Thanh Hóa. Sau những ngày hạnh phúc bên nhau, Hồ Dzếnh đã ra đời, và không ngờ lớn lên đã trở nên một nhà văn, thơ xuất sắc trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Mặc dù Hồ Dzếnh sinh trưởng trên xứ sở Việt Nam, nhưng trong tâm tưởng lúc nào ông cũng mơ về một quê hương đầy bản sắc thơ mộng. Những hình ảnh mây trắng ngàn năm trên Lầu Hoàng Hạc vẫn còn bay lãng đãng. Những thảm cỏ non nơi cánh đồng Anh Vũ vẫn ngút ngàn kiêu sa. Vẫn những hàng liễu buông đầy lãng mạn trên Tây Hồ soi bóng:
Ta nhớ màu quê, khát gió quê Mây ơi ngưng cánh đợi ta về Cho ta trông lại tầng xanh thẳm Ngâm lại bài thơ “Phương Thảo Thê” Đất Thánh Trời Đông, Mẹ Á Châu Anh hoa ngàn thuở rạng phong hầu Chín cung thăm thẳm hồn hương khói Danh vọng vang lừng mây gió Âu Liễu Động Đình thơm chuyện hảo cầu Tóc thề che mướt gái Tô Châu Bâng khuâng trăng sáng trời Viên Hán Một dải Giang Nam nước rợn màu Ai hát mà nay, gió vẫn thơm Ai đau non nước não căm hờn? Chiêu Quân nếu mãi người Cung Hán Thi tứ tìm đâu nét tủi hờn? Mây ơi có tạt về phương Bắc Chầm chậm cho ta gửi mấy lời Từ thuở ly hương ta vẫn nhớ Nhưng tình xa lắm gió mây ơi! (Tư Hương)
Cõi thơ của Hồ Dzếnh thể hiện cái thế giới đầy tình yêu thương chân thật, như hạt ngọc lấp lánh kết tinh từ đời sống ấu thơ, đầy những bất hạnh nghèo khó, nhưng không thiếu những cảnh tượng hồn nhiên, thơ mộng, bao dung, như biển trời. Hồ Dzếnh đã tâm sự: “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo…”. Những lời trân quý ông dành dâng tặng đến Người là Mẹ ông. Có lẽ suốt chuỗi đời ấu thơ, ông sống trong vòng tay trìu mến của Mẹ, nên ông yêu kính Mẹ vô cùng. Chính vì ông yêu Mẹ nên ông ca tụng hình ảnh những người con gái Việt Nam, suốt một đời thủy chung tận tụy vì chồng con:
Cô gái Việt Nam ơi! Từ thuở sơ sinh lận đận rồi Tôi biết tình cô u uất lắm Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha Khi cô vui thú, là khi đã Bồng bế con thơ, đón tuổi già… (Cảm Xúc)
Hồ Dzếnh bước vào làng văn, thơ từ năm 1937, với một số bài gởi đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Chủ Nhật, Tạp San Mùa Gặt Mới. Những tác phẩm đã xuất bản như Quê Ngoại (Thơ 1943), Hoa Xuân Đất Việt (Thơ 1946), Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước (Truyện 1942), Cô Gái Bình Xuyên (1946), Chân Trời Cũ (Truyện 1942). Văn của Hồ Dzếnh trong sáng nhẹ nhàng, tình cảm chân thật gần gũi, ấm cúng như một hạnh phúc bình dị quen thuộc quanh đời sống thôn dã, nồng thắm quê hương. Về thơ Hồ Dzếnh cấu trúc những sáng tạo sâu sắc, mới lạ, chan chứa trữ tình, thể hiện một hồn thơ chân thành, tuyệt đẹp và độc đáo. Trong hai tập thơ Quê Ngoại và Hoa Xuân Đất Việt, được nhà văn Mai Thảo nhận định: “Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thiên nhiên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ còn trẻ hơn hồn mình phơi phới, một tập thơ cỏ non lả lả, một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật, có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh là cái trạng thái ngu ngơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê Ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sức sống như một vươn tới, cái vóc dáng của tình yêu như một kín trùm dào dạt. Dẫu cho lỡ cả thiên đường, thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa. Hồ Dzếnh không làm thơ đâu. Thơ đã có, đâu đó, trên mây, trên cành, trong nước chảy dưới chân cầu,trong không khí, thơ một thuyền đầy, thơ một chuyến lớn chở Hồ Dzếnh đi vào thênh thang tiếng nói…”
Hồ Dzếnh, ông là một nhà thơ khí khái không quỵ ngã trước mọi áp lực của thời thế, ông cố vượt qua mọi giông bão cuộc đời, tạo thế đứng lẫm liệt của một cây thông giữa bạt ngàn lau lách, nên ông đã giữ được niềm quý trọng của quần chúng nuôi hoài những cảm tình qua cõi thơ trong sáng, tình người, đầy hồn nhiên, thơ mộng của ông.
Khi thi sĩ Bùi Giáng còn lang thang nơi trần thế, mỗi lần đọc đến những bài thơ lục bát của Hồ Dzếnh, Bùi Giáng biểu tỏ niềm mến phục chân tình qua nhận xét “chẳng khác giải Ngân Hà lấp lánh nhớ nhung trên bầu trời Văn Học Việt Nam”:
Phút linh cầu mãi không về Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen Khói trầm bên giấc mơ tiên Bâng khuâng… trăng rải qua miền quạnh hiu Tô Châu lớp lớp phù kiều Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam Rạc rời, vó ngựa quá quan Cờ treo ý cũ, mây dàn mộng xưa Biển chiều vang tiếng nhân ngư Non xanh thao thiết trời thu rượu sầu Nhớ thương bạc nửa mái đầu Lòng nương quán khách nghe màu tà huân Buồn Tư Mã, nhớ Chiêu Quân Nét hoa thấp thoáng, ý thần đê mê Phút linh cầu mãi không về Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen…
Bùi Giáng đã không ngượng ngùng mà thẳng thắn phát biểu: “Ta phải cố quên mấy bài lục bát của Hồ Dzếnh thì mới đủ can đảm làm thơ. Nhưng mỗi phen đang giữa cơn chịu khó liên trì mà chợt sực nhớ tới cái bài Phút Linh Cầu của Hồ Dzếnh thì ối thôi! Ối thôi! Chẳng còn thể nào tiếp tục công việc gì nữa cả…Linh hồn bỗng nhiên xô ùa máu me chạy tuột đi hướng khác vô phương nắm cầm lại… Không còn một loại thơ kim cổ nào đứng nổi trước cái trận chiêm bao kỳ ảo kia. Tôi thách các bạn tìm bất cứ trong thi ca cổ kim một bài thơ nào đứng vững nổi trước mấy vần lục bát của ông bạn Minh Hương…”
Thái độ khiêm cung của Thi sĩ Bùi Giáng đã làm cho chúng ta liên tưởng đến Thi hào Lý Bạch, khi qua chơi lầu Hoàng Hạc, đọc bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, giật mình chỉ viết nên hai câu:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu Trước mắt có cảnh, nói không được Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu.
Ngoài những bài thơ trứ danh đã đan cử ở trên, riêng tôi vẫn còn yêu thích những giòng thơ tích lũy tình yêu thánh hóa, ươm đầy ảo vọng tương lai, mâu thuẫn nội tâm của Hồ Dzếnh, chất ngất những hoài nghi:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần Tôi nói khẽ: gớm làm sao nhớ thế Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Em tôi ơi tình có nghĩa gì đâu Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu? Thuở ân ái mong manh hơn nắng lụa Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa Hẹn ngày mai mà đến sẽ vui hơn Chỉ ngày mai mới đẹp ngày mai thôi Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé Tôi sẽ trách – cố nhiên – nhưng rất nhẹ Nếu trót đi, em hãy gắng quay về Tình mất vui khi đã vẹn câu thề Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa
Ý tưởng nối kết của giòng luân lưu tâm thức từ nghìn xưa cho đến ngàn sau như một hóa thân tiền kiếp, hiện tượng chỉ có được nơi các bậc Chân Tu Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta chỉ là những hạt bụi biến hóa vô thường, mắc xích nghiệp chướng luân hồi qua từng kiếp sống. Thời gian qua từng sát na đã là sự đổi thay trùng trùng duyên khởi. Cuối cùng rồi mọi người cũng phải chọn cho mình chuyến đi vào cõi hư vô tuyệt mù.
Nhà thơ tài danh Hồ Dzếnh đã nằm xuống vĩnh viễn ngày 13-8-1991, khi tuổi thọ vừa 75. Sau khi được tin ông ra đi, Hà Nội đã rầm rộ mang đầy hoa đến phúng điếu, đăng tin trên khắp nhật báo, tạp san văn học, cùng với những bài viết ca ngợi Hồ Dzếnh như một thiên tài của Đất Nước. Trong lúc ông còn sống, chỉ là một công nhân thợ đúc thép Gia Lâm tầm thường, nghèo khổ, ngày ngày đi về căn gác nhỏ, thầm lặng như một tội đồ, không một ai thương tiếc.
Kỳ này là bài thứ 10 và cũng là bài cuối, tổng kết về cuộc cách mạng được gọi là long trời lở đất để đem lại ruộng đất cho người nông dân, đã được thực hiện trong suốt mấy năm trời trên toàn lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hoà trứơc khi đảng Cộng sản nhận sai lầm và sửa sai.
Cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc đã chấm dứt và cuộc sửa sai bắt đầu từ mùa thu năm 1956. Nói về thành quả của cuộc cách mạng đựơc coi là “long trời lở đất” này, nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng nhận định:
“Đứng về phương diện chuyên môn nông nghiệp, cuộc cải cách ruộng đất không thúc đẩy được nông nghiệp phát triển, không thăng tiến được đời sống nông dân mà còn làm tan nát nền nông nghiệp cổ truyền ở ngoài Bắc và đưa mọi người vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của đảng CS thì họ đã thành công trong cải cách ruộng đất, đã đạt được những mục tiêu chính trị của họ.
Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ giới hào mục lãnh đạo hạ tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó lớp lãnh đạo mới, là những đảng viên cộng sản.
Mục tiêu chính trị của họ nữa là chận đứng sự trà trộn của những điệp viên trong dân chúng. Họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn và họ thay thế bằng chủ trương của CSVN theo chủ nghĩa Mác Xít.
Ngoài ra, liều lượng khủng bố của cộng sản đối với nông dân trong cuộc cải cách ruộng đất đợt 5 đủ để khuất phục nông dân, đủ để làm cho nông dân khiếp sợ, làm cho họ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, sống luôn luôn trong sự sợ hãi tột cùng, và ghép họ vào trong khuôn phép cộng sản, ổn định một cách kiên cố hạ tầng cơ sở của xã hội nông thôn miền Bắc”.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Á châu tự do đã đưa ra hình ảnh so sánh vùng quê ở miền Bắc trứơc và sau khi tiến hành cải cách ruộng đất như sau:
“Bây giờ thì cần phải nói như thế này, cái này là kinh nghiệm cá nhân. Vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thì tôi tham gia một đoàn tuyên truyền xung phong. Chúng tôi đi đâu mà còn có cái ăn thì đó là những người giàu có, sau này thì bảo đó là những địa chủ.
Nhưng lúc đó thì chúng tôi chẳng hiểu họ là địa chủ hay họ là cái gì. Họ là những người hằng tâm, hằng sản nuôi bộ đội, cho cán bộ và cho chúng tôi nữa (đoàn tuyên truyền xung phong), đến là có cái ăn. Tất cả những người đó khi chúng tôi hỏi thăm thì đều bị đấu tố, bị vứt ra ngoài lề của xã hội mà họ gọi là mới.
Về sau này tìm hiểu thì tôi thấy có một cái tệ, tức là đấy không phải là một cuộc cải cách ruộng đất. Bởi vì nếu là một cuộc cải cách ruộng đất thì trước cải cách ruộng đất phải có điều tra tình hình ruộng đất.
Tôi nhớ, vào giai đoạn đó tôi không đọc được một bản điều tra nào về tình hình ruộng đất ở Việt Nam cả. Sự phân bổ ruộng đất, bao nhiêu phần trăm là địa chủ, bao nhiêu phần trăm là trung nông, phú nông, bần nông, chẳng hạn như thế. Họ không cần cải cách ruộng đất, tức là không muốn phân bố lại ruộng đất sao cho nó hợp lý. Mà căn bản, đó là một cuộc đấu tranh chính trị.
Ruộng đất đối với cải cách ruộng đất là một cái cớ để cào xới lại, đưa lại rất nhiều những quyền lợi, mà cũng không phải rõ ràng lắm, cho nông dân. Nông dân vùng lên đấu tranh làm cách mạng, người cày phải có ruộng.
Thế nhưng thật sự ra thì khi tiến hành tất cả những cái đó thì ruộng đất có một thời gian là có cắm cờ, rồi phân thửa ruộng này là của ông A, ông B rồi đóng cọc. Các bạn có xem những cái phim, chắc là bây giờ còn lại trong tư liệu, còn cả đấy. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn thôi thì nó là tổ vần công, tổ đổi công xong thì họ lại cũng không có gì nữa.”
Lời kể của người trong cuộc
Ông Nguyễn Minh Cần, một người từng là phó chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà nội và trực tiếp tham gia chiến dịch sửa sai cũng phân tích về những hậu quả của cụôc cải cách ruộng đất. Mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An và ông Nguyễn Minh Cần sau đây:
Nguyễn An: Thưa ông, bây giờ trở lại cuộc cải cách ruộng đất cách đây 50 năm. Theo ông thì cuộc cải cách ruộng đất đó để lại những hậu quả gì, những di hại gì?
Ông Nguyễn Minh Cần: Cái cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng về rất nhiều mặt.
Nguyễn An: Xin Ông vui lòng phân tách từng điểm một?
Ông Nguyễn Minh Cần: Điểm thứ nhất: Đây là một cuộc tàn sát dân lành một cách vô tội vạ. Nếu nói theo từ ngữ hiện nay thì phải nói đây là một cuộc diệt chủng vì kỳ thị giai cấp. Bổng dưng lập ra lệnh cải cách ruộng đất, đưa những đoàn người về và tha hồ qui người ta lên là địa chủ.
Trên 172.000 người là nạn nhân. Tôi cón phải nói đến số người mà người ta oan ức quá, bực bội quá, người ta tự tử. Số đó cũng không phải là ít. Theo tôi, hậu quả đó rất lớn, nó gây ra một tâm trạng sợ sệt, khủng khiếp của người dân.
Hậu quả thứ hai là phá hoại truyền thống hòa hiếu của nông thôn, là vì từ trước ải nói dù rằng có thể có bóc lột, có thể có gì đấy với nhau, nhưng người nông dân sống với nhau là lá lành đùm lá rách, rất hòa hiếu với nhau.
Cuộc cải cách ruộng đất về xúi người này bới móc tội lỗi của người kia, và có thể những tội hoàn toàn không có cũng bới ra. Và dựa vào những thù cũ rồi gây ra thù hận giữa các tầng lớp với nhau. Chính cái đó nó phá hoại truyền thống đoàn kết lâu đời của người Việt Nam mình ở nông thôn.
Nguyễn An: Thưa ông, có phải ông muốn nói rằng cuộc cải cách ruộng đất đặt trên cơ sở là gây sự căm thù để phát động quần chúng, và sau đó sự căm thù đó lớn rộng và nó tiếp tục còn lại sau khi cuộc cải cách ruộng đất đã chấm dứt không?
Ông Nguyễn Minh Cần: Đúng như vậy.
Nguyễn An: Thưa , điểm thứ ba là gì?
Ông Nguyễn Minh Cần: Hậu quả thứ ba là phá hoại đạo lý luân thường của dân tộc. Từ xưa đến nay cha đối với con, mẹ đối với con, vợ chồng đối với nhau, họ hàng cha chú đối với nhau đều có một luân thường đạo lý. Nhưng cải cách ruộng đất về xúi dục con tố cha, vợ tố chồng, nàng dâu tố mẹ chồng, bố chồng v.v... đấu đá lẫn nhau như vậy.
Nguyễn An: Và gọi mày tao mi tớ hết?
Ông Nguyễn Minh Cần: Vâng. Như vậy, luân thường đạo lý tan hoang.
Nguyễn An: Thưa ông, theo ông thì những cái mà phá hoại nền tảng luân lý đạo đức, rồi sự hòa hiếu ở trong nông thôn đó cách đây 50 năm thì được khai thác tối đa để hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất... tinh thần như thế sau bao nhiêu lâu mới phục hồi được? Hay bây giờ nó vẫn còn là những vết thương rỉ máu?
Ông Nguyễn Minh Cần: Theo tôi, vì cho đến nay chưa có một sự sám hối rõ ràng. Chưa có một tuyên bố rằng chính sách hận thù giai cấp là một chính sách không đúng. Phải nói thật rằng bây giờ thì 50 năm đã qua thì người ta yên như vậy, nhưng lòng hận cũ không phải là đã hết.
Còn một điểm tôi cũng muốn nói nữa là hậu quả thứ tư: Nó phá hủy truyền thống tâm linh và văn hóa của dân tộc. Vì khi làm cải cách ruộng đất thì các ông đều có cái ý hướng là tiêu diệt các tôn giáo, chèn ép các tôn giáo, tước đoạt tài sản của các tôn giáo để làm cho các tôn giáo không tồn tại được một cách độc lập.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về [email protected]
Trong 8 chương trình vừa qua, quý vị đã nghe những chuyện liên quan đến cuộc cải cách ruộng đất diễn ra tại miền Bắc Việt Nam 50 năm trước. Cuộc cách mạng được gọi là long trời lở đất ấy chấm dứt vào mùa thu năm 1956. Ðảng cộng sản và nhà nước và nhà nước công khai nhận sai lầm và tiến hành sửa sai.
Từ tháng bẩy năm 1956, đã có nhiều hội nghị của bộ chính trị, ban bí thư và ban chấp hành bàn về những sai lầm trong cải cách ruộng đất và sửa sai. Cao điểm là hội nghị trung ương 10 vào tháng chín. Đó là hội nghị họp dài ngày nhất cho đến lúc bấy giờ, họp làm hai lần cho đến tháng 11 mới xong.
Trong cuốn hồi ký “Giọt nứơc trong biển cả”, ông Hoàng Văn Hoan nguyên phó chủ tịch quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà kể lại rằng trong hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những sai lầm khá đầy đủ và rõ rệt trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất. Ông viết như sau:
“Người phụ trách Uỷ ban cải cách ruộng đất là Trường Chinh, tuy không chối cãi đựơc, nhưng cứ lý luận rằng cải cách đã đưa lại ruộng đất cho nông dân là một thắng lợi lớn, còn những sai lầm thì né tránh, không thừa nhận một cách thẳng thắn. Hoàng Quốc Việt cũng không nhận sai lầm. Chỉ có Lê Văn Lương, trưởng ban tổ chức trung ương đảng là thành thực nhận sai lầm trong việc chỉnh đốn tổ chức…
Hội nghị trung ương đáng lẽ phải có một nghị quyết tổng kết kinh nghiệm về cải cách ruộng đất, nhưng Trường Chinh, vừa là tổng bí thư, lại vừa là trưởng ban cải cách ruộng đất, vì tư tưởng chưa thông, nên dự thảo nghị quyết mấy lần đều không đựơc hội nghị trung ương chấp thuận.”
Bốn năm sau, khi đảng họp đại hội lần thứ ba vào năm 1960, nghị quyết ấy cũng chưa có, và lúc bấy giờ cũng chẳng ai nhắc lại nữa. Đó là lần đầu tiên, một hội nghị trung ương quan trọng như thế mà lại không có nghị quyết tổng kết. Ông Hoàng Văn Hoan còn nói thêm rằng, ngay trong quá trình sửa sai, Trừơng Chinh vẫn không dứt khoát.
Điều đó có thể giải thích rằng, mặc dù bị tạm thời hạ tầng công tác như một biện pháp kỷ luật, nhưng Trường Chính chắc vẫn cho rằng ông không phải là ngừơi chịu trách nhiệm cao nhất.
Cuối tháng 10 năm 1956, có mít tinh lớn tại nhà hát nhân dân Hà nội, Uỷ viên bộ chính trị đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt ông Hồ Chí Minh và trung ương đảng chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách rụông đất. Cả hai nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất và phải chịu trách nhiệm nặng nhất là Ông Hồ và ông Trường Chinh đều không ra mặt.
Sau khi công nhận sai lầm, đảng bắt đầu sửa sai.
Cuộc cải cách ruộng đất đầy oan khuất, đầy máu và nứơc mắt đã chấm dứt. Đã có tổng số tám đợt phát động quần chúng và năm đợt cải cách ruộng đất đựơc thực hiện tại 3563 xã.
Một câu hỏi phải đặt ra là tại sao đảng Cộng sản lại ngưng cuộc cải cách ruộng đất vào lúc đó? Nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng trả lời:
“Hồ Chí Minh và đảng CS phải chấm dứt đợt cải cách ruộng đất năm 1956 vì hai lẽ.
Lẽ thứ nhất trong nội bộ Bắc Việ,t là cuộc cải cách ruộng đất đã đạt được các mục tiêu chính trị của họ. Mục tiêu chính trị của họ là gì? Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ giới hà bộc lãnh đạo hạ tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó lớp lãnh đạo mới, là những đảng viên cộng sản.
Mục tiêu chính trị của họ nữa là chận đứng sự trà trộn của những điệp viên địch thủ trong dân chúng. Họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn và họ thay thế bằng chủ trương của CSVN theo chủ nghĩa Mác Xít.
Thứ hai là trên bình diện quốc tế thì ông Michael Young đến Hà Nội vào tháng 4 năm 1956. Ông ấy giải thích chính sách mới của đại hội đảng 20 của Liên Xô. Vì vậy mà CSVN không thể đi ngược lại với đường lối mới của Liên Xô. Cho nên nhân cuộc tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5 vào tháng 5 năm 1956, ông Hồ vì những lý do ở trong và ngoài nước thì ông Hồ cho ngưng cuộc cải cách ruộng đất và bắt đầu chương trình sửa sai.”
Đảng đã sửa sai thế nào? Mời quý thính giả nghe lời kể của ông Nguyễn Minh Cần, lúc đó là phó chủ tịch thành phố Hà nội, và trực tiếp tham gia công tác sửa sai tại ngoại thành Hà nội:
“Hồ Chí Minh và đảng CS phải chấm dứt đợt cải cách ruộng đất năm 1956 vì hai lẽ.
Lẽ thứ nhất là vấn đề nội bộ Bắc Việt là cuộc cải cách ruộng đất đã đạt được các mục tiêu chính trị của họ. Mục tiêu chính trị của họ là gì? Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ giới hào mục lãnh đạo hạ tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó lớp lãnh đạo mới, là những đảng viên cộng sản.
Mục tiêu chính trị của họ nữa là chận đứng sự trà trộn của những điệp viên mà địch thủ trong dân chúng. Họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn và họ thay thế bằng chủ trương của CSVN theo chủ nghĩa Mác Xít.
Thứ hai là trên bình diện quốc tế thì ông Mikoyan đến Hà Nội vào tháng 4 năm 1956. Ông ấy giải thích chính sách mới của đại hội đảng 20 của Liên Xô. Vì vậy mà CSVN không thể đi ngược lại với đường lối mới của Liên Xô. Cho nên nhân cuộc tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5 vào tháng 7 năm 1956, ông Hồ vì những lý do ở trong và ngoài nước thì ông Hồ cho ngưng cuộc cải cách ruộng đất và bắt đầu chương trình sửa sai.”
Một người khác là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện kể lại về sửa sai như sau:
“Sửa sai ở đây là không phải sửa sai cho địa chủ mà sửa sai cho những người vốn là đảng viên hoặc là những người vốn rất có công với kháng chiến nhưng bị vu cho là Đại Việt, Quốc Dân Đảng, vu cho là gián điệp... đủ thứ.
Những người đã giết rồi thì thôi, không nói làm gì rồi. Thế nhưng những người còn sót lại thì tha. Thế còn thực tế, những người bị quy là địa chủ mà đã vào tù rồi, chết rồi thì tôi không nói, đấu tố bắn ngay tôi không nói, nhưng vào tù rồi thì công bằng mà nói thì cả huyện của tôi là huyện Bình Dục, sau này tôi về chơi thì không có ông nào được tha cả.
Ngay làng tôi thôi có hai cha con ông Chánh Hồ, cũng bị quy là địa chủ, mà ông ta có giàu có gì đâu, bị quy là địa chủ. Ông ta trước kia là người chuyên môn đón bộ đội về làng, bộ đội là đến nhà ông ấy mà.
Thế là nhà ông Phó Liêm nữa. Những ông đó, một ông thì tự tử chết, hai người đi tù. Một ông nữa là ông Chánh Điểm cũng đi tù. Tất cả mấy người đi tù đó đều chết trong tù hết. Cả những làng xung quanh tôi không thấy ai về.
Mãi đến tận năm 1961, lần đầu tiên tôi đi tù thì tôi gặp không biết bao nhiêu là địa chủ vẫn còn nằm nguyên trong tù thôi.
Đến tù lần thứ hai năm 1966, tôi sống trong tù đến năm 1977 mới ra, thì vẫn còn những bác địa chủ vẫn bị sống trong tù - tuy là chết nhiều lắm rồi.” Sau cùng, xin đựơc kết thúc bài về sửa sai này bằng bài thơ mà ông Nguyễn Minh Cần nghe đựơc khi công tác sửa sai tại một làng thụôc huyện Đông Anh ở ngoại thành Hà nội:
Bác Hồ nói chuyện sửa sai: Sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai . Đảng ta có lắm anh tài Sai hoài sai mãi, sửa hoài cứ sai.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về [email protected] Nguồn: RFA / Thy Nga
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thủ và nhà thơ Hữu Loan
Một gia đình nạn nhân khác là ông Nguyễn Văn Thủ, quê ở tỉnh Hưng Yên, năm nay 72 tuổi, hiện nay đang sống ở Hà Nội. Ông Thủ kể lại với Phương Anh về những tại hoạ bất ngờ đổ xuống gia đình ông hồi cải cách ruộng đất. Trong phần sau, nhạc sĩ Trịnh Hưng, người bạn thân của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" sẽ kể về chính hoàn cảnh của nhà thơ Hữu Loan
Ông Nguyễn Văn Thủ: Dân trí thì thấp, đời sống thì đói…Lúc ấy, miền Bắc được “giải phóng”, còn miền Nam thì…, chia làm hai chế độ. Ngoài này, thực hiện chính sách giảm tô cải cách để có ruộng cho người nông dân cầy.
Đường lối đưa ra là đánh đổ địa chủ, cải tạo tư sản, tư bản…để lấy đất chia cho nhân dân, cho những người nghèo. Cho nên, có những người bị thiệt thòi. Lúc ấy, lộn xộn, chẳng ai giữ đạo làm người, con tố bố, vợ tố chồng…mất cả đạo đức con người.
Phương Anh: Thưa ông, xin ông cho biết chuyện gì đã xảy ra cho gia đình ông?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Gia đình tôi, cụ (ông nội) công tác rất tốt, đến lúc ấy tự nhiên qui cho cụ tôi là thành phần đối kháng, bắt cụ đi đấu tố, gia sản bị tịch thu hết. Tôi bị coi là con nhà địa chủ, khổ lắm, đi ra ngoài đường là phải chào ông bà nông dân. Dù nó là con là cháu mình, cũng phải gọi nó là “Ông” là “Bà”.. của cải mất hết, chả còn gì cả.
Tôi là con nhà địa chủ, bị trong cảnh xem từng người tố bố mình, toàn bịa chuyện. Lúc ấy dân ngu dốt lắm, chả hiểu gì cả, cứ nói bưà, nói theo kiểu “mớm” lời, toàn là bịa ra, chúng (đội cải cách) bảo thế nào thì người nông dân nói thế. Lúc đó, trình độ của chúng có ra cái gì đâu.
Phương Anh: Thưa ông, biết là năm nay tuổi đã cao, nhưng ông có còn nhớ được cảnh đấu tố những người bị qui là địa chủ không?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Ôi..Tôi còn nhớ như thế này, tôi chưa bao giờ thấy lịch sử con người lại ngược đời như thế, đến nỗi phải nói là thời đại trâu bò đi “bí tất”, cóc nhái nhẩy lên làm người, mõ sãi ngày xưa nhẩy lên làm chánh án, làm thẩm phán. Thậm chí ngồi trên toà đấu bố mình. Tả lại thì nhiều lắm, khí thế của nhân dân nó vùng lên, đánh đổ địa chủ mà!
Ông bà nông dân họp riêng với nhau, người ta họp thế nào đó, xong rồi “đùng” một cái, nhà mình bị qui là đối kháng luôn, mặc dù nhà là một thành phần rất tốt, có công với cách mạng, thế mà “đùng” một cái, ngược lại hết! Nó đến nó tịch thu, nó đuổi mình ra khỏi nhà. Trong người mặc quần áo thế nào thì đi ra thế đấy.
Tôi đi học về, cắp cái cặp, là chỉ có thế… thế là hết, và mấy mẹ con dắt nhau ra ngồi một chỗ, nhìn ông bà nông dân chia của. Sau đó, ông bà nông dân tập hợp ra, ngồi đông lắm, cảnh đấu tố đông lắm, các “vị” thì ngồi trên toà, làm cái toà trên cao đàng hoàng, kê ở ngoài đình, cánh đồng, như sân khấu vậy, rồi bắt nông dân lên đấu tố, địa chủ phải cúi mặt xuống, họ trói, cùm kẹp, thậm chí còn tra tấn…
Phương Anh: Thưa ông, được biết người đấu tố ông bà nội và bố ông lại chính là bà xui gia và cũng là người láng giềng, từng được ông cụ, tức ông nội của ông giúp đỡ trong nhiều năm. Vậy, ông còn nhớ bà ấy đã làm những gì khi đó? Và kết quả cuộc đấu tố lúc bấy giờ ra sao?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Bà ấy lên, lật ngửa mặt cụ ra, rồi chỉ vào tận mặt và nói: con Ly, tên bà cụ là Ly, vợ chồng mày ép buộc tao, phải gả con gái cho con mày…rồi bà ấy khóc hu hu lên…rồi xin đội cải cách cho đem con gái về… rồi bà ấy bảo là mày dụ dỗ con tao đi Nam để cho bố mẹ lià con…
Lúc ấy, tự nhiên nó như ma quỉ cám dỗ, người ta nhìn thấy nhà tôi, người ta như muốn ăn thịt luôn, họ muốn làm gì thì làm. Lúc ấy, người nào càng hăng hái, càng tốt, càng đấu tố, càng đánh đập, thì càng tốt. Có những người bị tử hình, ông cụ tôi bị kết án tử hình, bắn chết ngay, lôi ra bắn chết ngay, bắn ngay trước mặt mọi người, con cháu…
Đấu tố bố mình, bắt phải ra nhìn…Còn những người khác bị tra tấn, bị chết thì cho là họ tự tử, bắn thì rõ ràng rồi, mấy trường hợp…Cuối cùng thì sửa sai, biết là sai lầm, rồi xin lỗi, thế thôi !
Phương Anh: Sau khi bị đấu tố, cuộc sống của gia đình ông như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Sau đó thì mò cua bắt ốc mà nuôi nhau, nhà không có, phải đi ở nhờ, nằm đất, không có cái chiếu để nằm. Ông bà nông dân phải tránh xa mình. Ông bà nông dân nào có thương mình đi chăng nữa thì phải để trong lòng, nếu không thì đội nó qui cho, cũng chết luôn!
Đi ra ngoài thì phải chào ông bà nông dân, xưng “con”, chả muốn đi đâu cả, nhưng vì cuộc sống, nên lúc ấy, cũng phải đi ra ngoài đồng để kiếm rau, con cua, con cá…mẹ con bắt ốc nuôi nhau, vẫn phải cúi mặt xuống để mà tránh né, cho qua ngày, biết làm thế nào được…Giai đoạn lịch sử nó là thế đấy!
Trường hợp của vợ nhà thơ Hữu Loan
Vừa rồi là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thủ, hiện đang ở Hà Nội, một nạn nhân trong cuộc cải cách ruộng đất. Một trường hợp khác mà nạn nhân chính là vợ của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng suốt mấy chục năm qua, Mầu Tím Hoa Sim.
Chúng tôi không thể liên lạc với nhà thơ Hữu Loan được vì gia đình ông hiện đang ở một xã nhỏ thuộc tỉnh Thanh hoá, không có điện thoại. Tuy nhiên, được biết nhạc sĩ Trịnh Hưng hiện đang ở Pháp, là người bạn thân của nhà thơ và mới đây có về thăm nhà thơ, chúng tôi liên lạc và được ông kể lại:
“Ông ấy kể tôi nghe là: Lúc ấy, ông ấy là Trưởng ban Tuyên Huấn của đoàn 304, do tướng Nguyễn Sơn phụ trách, quân đội thì đói khổ lắm, chỉ có ăn khoai, ăn sắn, không có gạo mà ăn…Ông địa chủ đó thì giầu, tháng nào cũng đem gạo đến, để nuôi quân cho…Chính tướng Nguyễn Sơn tháng nào cũng làm lễ vinh danh cho ông ta, ban thưởng huân chương.
Năm 1953, bị đấu tố, lan đến Thanh Hoá, ông bà địa chủ ấy bị giết chết. Nhà thì chỉ có một cô con gái thôi. Nó cấm tất cả mọi người, con trai, hay con gái, không được kết hôn với con nhà địa chủ, không được nuôi con nhà địa chủ.
Ông ấy (nhà thơ Hữu Loan) thấy thế bực quá, mới bỏ về làng, đi qua làng ấy, ông ghé vào thăm, ông biết rằng ông bà cụ bị giết chết rồi, cô con gái không ai nuôi cả, cô ấy phải đi mót sắn, mót khoai ở ngoài đồng, ăn sống, để sống thôi, quần áo rách rưới, bẩn thỉu lắm, ngủ ở đường, ở đình làng, ông thấy thế, thương hại và đem về nhà nuôi…và bây giờ là vợ ông ấy!”
Trong hai buổi phát thanh vừa qua, quý thính giả đã nghe chuyện của những nạn nhân trực tiếp trong cuộc cải cách ruộng đất diễn ra 50 năm trước đây ở miền Bắc Việt Nam. Không thể biết chính xác số nạn nhân của cuộc cách mạng được gọi là “long trời lở đất” này là bao nhiêu vì nhiều người đã chết, nhiều người không muốn nói ra, và nhiều người không dám nói ra.
Tuy nhiên, qua các lời kể, quý thính giả cũng có thể hình dung được những đau khổ tận cùng mà những người dân lúc đó phải chịu đựng, do chính những người cùng làng cùng xóm với mình gây ra theo chỉ đạo của các đội cải cách ruộng đất. Kỳ tới, chúng tôi sẽ nói về đợt sửa sai được phát động sau khi trung ương đảng thừa nhận sai lầm. Mong quý thính giả đón nghe.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về [email protected]