Vào ngày 7/9/1674, Antonie Van Leeuwenhoek, một người bán vải sống ở thành phố The Hague, phía tây của Hà Lan, đã gửi một lá thư cho Hiệp hội Hoàng gia London và kể chi tiết về một khám phá đáng kinh ngạc của mình. Ông cho biết trong khi đang kiểm tra tảo từ một hồ nước gần nhà qua kính hiển vi tự chế, một sinh vật “có vảy nhỏ màu xanh lục và rất lấp lánh”, thứ mà ông ước tính là nhỏ hơn một nghìn lần so với con ve, đã lao qua tầm nhìn.
Hai năm sau, vào ngày 9/10/1676, người đàn ông này tiếp tục với một báo cáo khác và lần này nó phi thường đến nỗi các nhà vi sinh vật học ngày nay đã phải đặt tên cho nó là “Bức thư thứ 18”. Trong thư, Van Leeuwenhoek đã xem xét khắp nơi và tìm thấy thứ mà ông gọi là “animalcule” (trong tiếng Latinh có nghĩa là "động vật cực nhỏ") trong mọi thứ.
Ông tìm thấy chúng trong bụng của những con vật khác, thức ăn của chính mình, miệng của mình và miệng của người khác. Khi nhận thấy một người có bộ răng sâu, ông đã yêu cầu người này cho mình một mẫu mảng bám. Sau khi, đặt nó vào bên dưới ống kính hiển vi của bản thân, ông đã chứng kiến “một số lượng lớn không thể tưởng tượng được các animalcule” di chuyển rất nhanh nhẹn lẫn vào nhau, “đến mức toàn bộ dường như còn sống”. Rồi sau một buổi tối bị đau bụng do bữa ăn nhiều chất béo với thịt bò hun khói, Van Leeuwenhoek đã tự kiểm tra phân của chính mình dưới ống kính hiển vi và thấy các sinh vật nhỏ với "một phần to và dài hơn phần còn lại, một cái bụng giống như phẳng, được trang bị đầy những bàn chân nho nhỏ”. Đây là những mô tả rõ ràng về cái mà chúng ta ngày nay gọi là ký sinh trùng giardia.
Với những quan sát của mình về những sinh vật nhanh nhẹn, béo ú và có chân này, Van Leeuwenhoek đã trở thành người đầu tiên từng nhìn thấy vi sinh vật. Đây là một khám phá có ý nghĩa gần như không tưởng đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người và khai mở một chân trời mới cho sự hiểu biết của chúng ta về sự sống trên hành tinh này.
Vi sinh vật là dạng sống phong phú thứ hai trên Trái đất. Hai trong số những loại mà Van Leeuwenhoek đã xác định - động vật nguyên sinh và vi khuẩn - theo một số ước tính là nguyên nhân gây ra hơn một nửa số ca tử vong của con người. Và cho đến khi người đàn ông này quan sát thấy sự tồn tại của chúng, hầu như chúng chưa từng được công nhận một cách nghiêm túc, chứ chưa nói tới là được chứng minh tồn tại. Tất nhiên, khi đó ông không biết gì về vai trò then chốt của những con vật nhỏ bé mà mình quan sát được, nhưng tiết lộ của ông đã cung cấp nền tảng cho lý thuyết vi trùng - bước tiến lớn nhất trong lịch sử y học.
Đáng ngạc nhiên hơn nữa, khám phá hoành tráng này không được thực hiện bởi một trong những bộ óc khoa học vĩ đại cùng thời của thế kỷ 17 như Galileo hay Isaac Newton. Thay vào đó, nó được đưa ra bởi một người Hà Lan gần như vô danh, người đã tự học để bằng cách nào đó chế tạo ra một ống kính mạnh gấp 10 lần so với bất cứ thứ gì từng được chế tạo trước đó. Thiết kế của ông cũng là thứ tốt nhất được ghi nhận trong suốt 150 năm sau đó.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà khoa học đang dần mở khóa bí mật về thế giới vi sinh vật của Van Leeuwenhoek trong suốt 350 năm qua, thì một bí ẩn lớn vẫn chưa được giải đáp: Làm thế quái nào mà ông có thể làm được điều đó? Làm thế nào mà một người chủ cửa hàng vải, tranh thủ giờ nghỉ của mình lại chế tạo ra được một thấu kính siêu nhỏ vượt bậc hẳn so với công nghệ của thế giới thời điểm đó?
Leeuwenhoek đã chia sẻ gần như tất cả những gì ông nhìn thấy qua kính hiển vi của mình bằng các chữ cái mô tả chính xác và chi tiết nhất, nhưng ông cũng nhiệt tình không kém trong việc bảo vệ cách mà mình đã tạo ra ống kính mang tính cách mạng đó. Khi được hỏi, ông thường từ chối hoặc trả lời lấp lửng. Ngay cả khi những khám phá đó khiến ông nổi tiếng đến mức vua Anh đã yêu cầu được nhìn thấy những vi sinh vật, hay Peter Đại đế dừng chân lại ở thành phố Delft chỉ để xem chiếc kính hiển vi, thì người Hà Lan này cũng chưa bao giờ tiết lộ bí mật của mình.
Van Leeuwenhoek đã chế tạo hơn 500 kính hiển vi, nhưng chỉ có 11 thiết bị của ông còn tồn tại đến ngày nay. Trong đó, duy nhất có một thiết bị tạo ra độ phóng đại 270X mà ông đã sử dụng để thực hiện các khám phá vĩ đại nhất của mình. Và vì thấu kính của thiết bị này vẫn bị kẹp giữa các tấm đồng thau, nên việc xác định phương thức sản xuất của nó sẽ yêu cầu các nhà nghiên cứu tháo rời kính hiển vi. Đây là một điều không được phép thực hiện, bởi nó tương đương với việc cạo sơn khỏi bức tranh Mona Lisa để xác định trình tự các nét vẽ của Leonardo da Vinci.
Hầu hết những người cùng thời với Van Leeuwenhoek đều tin rằng ông đã phát minh ra một kỹ thuật thổi thủy tinh mới. Clifford Dobell, người đã viết cuốn sách nổi tiếng năm 1960 cói tiêu đề Antonie Van Leeuwenhoek và Những con vật nhỏ của ông, đã công nhận rằng người đàn ông này đã tạo ra những ống kính tốt nhất của mình bằng cách mài và đánh bóng chúng tốt hơn bất kỳ ai khác. Nhưng đến này vẫn không ai có thể chắc chắn về việc này.
Tiemen Cocquyt, nhà nghiên cứu vật lý và lịch sử khoa học tại Đại học Utrecht, là một trong những người rất quan tâm tới những bí mật của Van Leeuwenhoek. Bắt đầu vào cuối những năm 2000, ngay sau khi lần đầu tiên nhìn thấy một trong những chiếc kính hiển vi trong tầng hầm của Bảo tàng Đại học Utrecht, ông đã nghĩ: "Làm thế nào mà thứ đồ chơi này có thể mở ra thế giới của các vi sinh vật?".
Sau khi Cocquyt trở thành người phụ trách Bảo tàng Quốc gia Boerhaave ở Leiden, Hà Lan - nơi lưu giữ một loạt các dụng cụ quang học thời kỳ đầu, bao gồm một số kính hiển vi - ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để điều tra nguồn gốc của cuộc cách mạng quang học thế kỷ 17 ở châu Âu. Đó là thời điểm khi các dụng cụ thị giác đột ngột chuyển đổi từ những chiếc kính lúp đơn giản sang kính thiên văn vĩ đại của Galileo và Christiaan Huygens. Theo Cocquyt, cuộc cách mạng đó đã vô tình được khơi dậy bởi những tiến bộ của người Ý trong việc chế tạo kính siêu trong.
Nhưng nếu nhìn thấy một bản sao kính hiển vi Van Leeuwenhoek, bạn sẽ thấy nó trông giống như một món đồ chơi hơn là thiết bị quang học. Như một chiếc gương cầm tay của búp bê, nó chỉ dài hơn 7 cm, với một tay cầm mỏng dẫn đến một tấm đồng hình vuông. Ống kính nằm bên dưới một lỗ kim ở trung tâm của tấm đồng và ở mặt sau, có một chốt để giữ vật mẫu được kết nối với một bộ vít để điều chỉnh tiêu cự.
Khi lần đầu tiên Cocquyt kiểm tra ống kính, ông tin rằng bề mặt nhẵn cho thấy nó có thể được tạo ra bởi nhiệt. Vì vậy, giống như nhiều người cùng thời với Van Leeuwenhoek, ông nghi ngờ người đàn ông Hà Lan này đã phát minh ra một kỹ thuật thổi thủy tinh mới. Nhưng không thể nhìn sâu bên trong, nên mọi thứ chỉ có thể dừng lại ở suy đoán. Nhưng ông hy vọng mình sẽ nhận được câu trả lời với sự trợ giúp của công nghệ hạt nhân.
Về cơ bản, nói một cách đơn giản nhất thì một thấu kính là một mảnh cong của vật liệu trong suốt, thường là thủy tinh. Khi ánh sáng đi qua tấm kính có góc cạnh đó, nó giảm tốc độ và đường đi của nó bị chuyển hướng hoặc bị khúc xạ. Tùy thuộc vào thiết kế, một thấu kính có thể điều khiển ánh sáng theo bất kỳ cách nào, nhưng các thấu kính phóng đại như của Van Leeuwenhoek là hình cầu - về mặt kỹ thuật được gọi là thấu kính với hai mặt lồi - và chúng khúc xạ ánh sáng thành một tiêu điểm duy nhất. Steve Ruzin, người phụ trách Bộ sưu tập kính hiển vi cổ Golub tại Đại học California–Berkeley cho biết: “Về bản chất, nó hoạt động như một cái phễu ánh sáng. Đặt mắt của bạn ở đầu hẹp của phễu và một lượng lớn ánh sáng đến từ tiêu điểm của thấu kính sẽ xuyên qua đồng tử của bạn.”
Điều này có hai tác dụng. Đầu tiên, mắt của bạn càng nhận được nhiều ánh sáng từ một vật thể, thì nó càng có thể cảm nhận được nhiều chi tiết hơn. Thứ hai, bằng cách tập hợp tất cả ánh sáng chiếu vào ống kính qua chiều rộng của đồng tử, hình ảnh sẽ chiếm toàn bộ trường nhìn của bạn. Một vật thể đã từng được chiếu lên võng mạc của bạn như một đốm sáng không thể phát hiện giờ đây sẽ xuất hiện rõ như trên màn hình rạp chiếu phim.
Tất nhiên, không phải tất cả các thấu kính hình cầu đều phóng đại như nhau. Một thấu kính lớn với một đường cong nhẹ sẽ chỉ khúc xạ ánh sáng truyền qua nó một chút, do đó nó hầu như sẽ không phóng to hình ảnh. Một thấu kính nhỏ với đường cong sắc nét sẽ khúc xạ ánh sáng nhiều hơn, phóng to hình ảnh lên rất nhiều. Các thấu kính hình cầu được tạo ra ở thế kỷ 17 có kích thước bằng hạt đậu. Còn các thấu kính lớn nhất của Van Leeuwenhoek có kích thước nhỏ hơn chúng một phần sáu. Ở đường kính đó, việc chế tạo chúng trở nên đặc biệt khó khăn. Ngay cả một lỗi sản xuất nhỏ nhất - bong bóng khí hoặc vết xước - cũng có thể tạo ra quang sai hình ảnh rất lớn.
Trong lịch sử của các nền văn minh lâu đời đã tồn tại các thấu kính. Thấu kính được làm thủ công sớm nhất được biết đến là một mảnh tinh thể có khả năng phóng đại gấp 3 lần mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra trong một cung điện gần 3.000 năm tuổi của người Assyria. Nhưng vì thủy tinh xuất hiện trong tự nhiên, nên khả năng phóng đại của nó có lẽ đã được khám phá và khai thác một cách độc lập nhiều lần trong suốt lịch sử.
Tuy nhiên, các thấu kính chưa bao giờ vượt quá sức mạnh của một chiếc kính lúp điển hình cho đến đầu những năm 1590, khi một nhà sản xuất thấu kính người Hà Lan tên là Hans Janssen chế tạo ra một chiếc kính hiển vi có khả năng phóng đại 9X. Thành công của Janssen đã truyền cảm hứng cho nhiều người noi theo, một trong số đó là Galileo, người đã sửa đổi một trong những kính viễn vọng của chính mình để tạo ra một chiếc kính hiển vi mà một người từng sử dụng nó tuyên bố có thể hiển thị "những con ruồi trông lớn như một con cừu."
Năm 1665 - chỉ vài năm trước khi Van Leeuwenhoek nhìn thấy các vi sinh vật - kính hiển vi đã gây chú ý trong cộng đồng khi Robert Hooke xuất bản cuốn sách bán rất chạy mang tên Micrographia. Cuốn sách bao gồm những quan sát, diễn giải, minh họa và thậm chí cả những hướng dẫn đơn giản của Hooke về cách mọi người có thể tự chế tạo thấu kính cho riêng mình. Đó là giữ một sợi thủy tinh mỏng trên ngọn lửa cho đến khi hạt thủy tinh hình thành, thứ "sẽ treo ở cuối sợi", Hooke viết. Bắn hạt thủy tinh đó ra và kết quả là một kính lúp hình cầu.
Nhưng bất chấp khả năng phi thường của Galileo và Hooke, cả hai đều không sản xuất ra được thấu kính nào sở hữu sức mạnh phóng đại như của Van Leeuwenhoek. Cocquyt nói: “Leeuwenhoek đã tận dụng một cơ hội và bằng cách nào đó đã nhận được kết quả tốt nhất có thể”.
Tuy nhiên, ông đã tránh được một nhược điểm bởi không có sở thích giống Hooke và Galileo trong việc sử dụng nhiều thấu kính được sắp xếp theo trình tự. Thiết kế dạng này khá phổ biến trong các kính hiển vi hiện đại, nhưng để đạt được hiệu ứng phóng đại mà không tạo ra biến dạng lớn đòi hỏi các thấu kính phải có độ chính xác cực cao.
Hooke nhận thức được khuyết điểm này trong thiết kế của mình, nhưng ông vẫn thích nhiều ống kính hơn, một phần là nhờ chúng dễ sử dụng. Các ống kính có tiêu cự cực ngắn đến mức chỉ với một tiêu cự, người xem phải đặt mắt vô cùng gần ống kính, thậm chí gây khó khăn cho việc chớp mắt. Hooke từng viết rằng kính hiển vi một thấu kính “gây khó chịu cho mắt tôi”.
Trong khi đó, thiết kế của Van Leeuwenhoek có thể rất khó sử dụng, nhưng nó lại mang lại hiệu quả ấn tượng hơn. Bởi vì thiết bị của ông có thể được cầm tay, ông có thể chiếu sáng các mẫu vật của mình bằng cách cầm nó dưới ánh sáng mặt trời hoặc ngọn lửa, trong khi kính hiển vi để bàn của những người cùng thời với ông chỉ có thể được chiếu sáng từ trên cao. Việc chiếu sáng từ trên xuống hoạt động tốt đối với các vật thể mờ đục, nhưng không phù hợp với nước ao và các mẫu vật mờ khác. Để quan sát những chất lỏng này, Van Leeuwenhoek đổ đầy một viên nang thủy tinh nhỏ, dán nó vào chốt của kính hiển vi và đưa dụng cụ lên trước ánh sáng.
“Có vẻ như Van Leeuwenhoek biết rằng một thế giới vi sinh vật mới sẽ ra đời”, Cocquyt chia sẻ.
Van Leeuwenhoek là con trai thứ năm của một người thợ làm giỏ, sinh ra ở Delft - một thành phố cảng nhỏ ở Nam Hà Lan, một nơi nổi tiếng với con đường thủy đẹp như tranh vẽ, đồ gốm và bia. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu học nghề bán đồ khô ở Amsterdam, nhưng sáu năm sau ông trở về nhà, kết hôn với con gái của một nhà sản xuất bia nổi tiếng trong vùng và mua một cửa hàng vải cho riêng mình.
Ông đã dành tuổi hai mươi của mình để phát triển một công việc kinh doanh thành công nhưng đổi lại cũng phải chịu đựng các bi kịch cá nhân to lớn. Trong số 5 đứa con mà ông và người vợ Barbara có trong 12 năm chung sống, 4 đứa đã chết từ khi còn nhỏ. Vợ ông cũng sớm qua đời. Một số chi tiết trong tiểu sử ghi lại ông từng làm một số công việc vặt ngoài việc điều hành cửa hàng vải của mình, bao gồm cả vị trí giám sát trưởng của tòa án địa phương. Nhưng một manh mối đã hé lộ tiềm năng khoa học mới chớm nở của Van Leeuwenhoek, đó là có bằng chứng cho thấy ông đã học hình học.
Nỗi ám ảnh của ông với các thấu kính phóng đại bắt đầu vào khoảng giữa tuổi ba mươi. Nhưng không ai biết tại sao và mọi thứ diễn ra như thế nào. Các tác phẩm của ông không bao giờ đả động đến nguồn gốc của chúng. Có lẽ, như nhiều người đã suy đoán, ông đã bắt đầu sử dụng chúng để kiểm tra chất lượng vải của mình. Hoặc cũng có thể ông bị ảnh hưởng và trở nên cuồng nhiệt với kính hiển vi sau khi tác phẩm Micrographia của Hooke ra đời.
Van Leeuwenhoek không bao giờ đề cập đến cuốn sách trong bất kỳ bức thư nào của mình, nhưng một số thí nghiệm của ông đã sao chép khá giống các thử nghiệm của Hooke đến mức chúng khó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng bất kể Van Leeuwenhoek đã tiếp cận với kính hiển vi như thế nào, vào năm 1668, ông đã bắt đầu theo đuổi nó với một sự kiên trì khác thường. Khi đi du lịch ở Anh vào năm đó, ông đã nhìn thấy những vách đá trắng ở Dover - một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp tại thành phố cảng này - và cảm thấy cần phải xem xét các sườn dốc đầy phấn trắng của chúng bên dưới ống kính hiển vi của mình. Ông viết sau đó: “Tôi quan sát thấy phấn bao gồm các hạt rất nhỏ trong suốt và những hạt trong suốt này nằm chồng lên nhau, và đó là lý do tại sao nó có màu trắng."
Đến năm 1673, ông đã chế tạo ra những thấu kính mạnh nhất thế giới. Nhưng sự nổi tiếng của ông sẽ không bao giờ lan tỏa đến thế, nếu không có sự hỗ trợ của một bác sĩ tên là Renier de Graaf.
Các bức thư của ông gửi Hiệp hội Hoàng gia London đã làm rung chuyển giới khoa học cùng thời.
De Graaf đã trở nên nổi tiếng thông qua các thí nghiệm của mình bằng cách sử dụng thuốc nhuộm để xác định chức năng của các cơ quan, và vào năm 1673, ông đã giới thiệu Van Leeuwenhoek với Hiệp hội Hoàng gia London. Ông tự giới thiệu đối tác của mình là “người khéo léo nhất… đã phát minh ra kính hiển vi vượt xa những kính hiển vi mà chúng ta từng thấy cho đến nay”.
Tiếp theo lời mở đầu đó, Van Leeuwenhoek đã mô tả các bộ phận cơ thể của một con rận bằng lối viết chính xác nhưng không vòng vo, theo đúng kiểu mô tả của một người làm kinh doanh. Trong năm tiếp theo, ông đã gửi thêm 5 bức thư tới Hiệp hội Hoàng gia để truyền đạt những quan sát thú vị về các hạt cầu trong sữa và cấu trúc của móng tay. Sau đó, vào ngày 7/9/1674, ông gửi bức thư báo cáo khám phá gây sốc của mình về thế giới của những vi sinh vật.
Mặc dù sau đó có phản hồi để giải đáp các câu hỏi từ Hiệp hội, nhưng ông luôn từ chối tiết lộ bí mật về kỹ thuật của mình. “Phương pháp của tôi để nhìn những con vật nhỏ nhất, tôi không truyền đạt cho người khác. Điều đó tôi giữ cho riêng mình”, ông viết. Ngay cả khi chính Hooke, người đã cố gắng học nói tiếng Hà Lan để có thể giao tiếp với Van Leeuwenhoek mà không cần phiên dịch, cũng không thể hỏi được cụ thể cách ông đã thực hiện những quan sát của mình như thế nào.
Dẫu vậy ba năm sau, cuối cùng Hooke cũng đã tái tạo lại được thí nghiệm của Van Leeuwenhoek để chứng minh những quan sát của ông tại một cuộc họp của Hiệp hội Hoàng gia. Sự xác nhận này đã làm cho người đàn ông bán vải ở Hà Lan trở nên nổi tiếng, nhưng dù bị điều tra nhiều lần sau đó, ông vẫn quyết đem bí mật của mình xuống mồ.
Năm 2018, Cocquyt và nhóm các cộng sự bắt đầu khám phá những bí mật của Leeuwenhoek mà không cần tách mở chiếc kính hiển vi 350 năm tuổi. Đó là nhờ công nghệ của các phản ứng hạt nhân.
Chụp cắt lớp neutron là một hình thức chụp cắt lớp vi tính liên quan đến việc tạo ra hình ảnh ba chiều bằng cách phát hiện độ hấp thụ của neutron được tạo ra bởi một nguồn neutron. Nó liên quan đến việc làm nổ các nơtron được tạo ra bởi các vụ va chạm nguyên tử thông qua một nòng súng cỡ lớn - thứ nhô ra khỏi buồng hạt nhân của lò phản ứng giống như một khẩu pháo - và hướng vào bất kỳ vật thể nào cần quét. Neutron, ngoài việc chiếu xạ mọi thứ chúng va phải, có khả năng đi qua kim loại nhưng va đập vào hầu hết các nguyên tố khối lượng thấp, kể cả những nguyên tố có trong thủy tinh. Các cảm biến phía sau vật thể sẽ phát hiện các neutron, tạo ra hình ảnh tiết lộ cấu trúc bên trong của chúng. Các thành tựu của công nghệ chụp cắt lớp neutron gần đây đã dẫn đến việc phát hiện ra một con khủng long bên trong bụng một con khủng long khác và tàn tích của băng trong các thiên thạch trên sao Hỏa.
Một lò phản ứng hạt nhân ở chính quê hương Delft của Van Leeuwenhoek gần đây đã lắp đặt một thiết bị chụp cắt lớp neutron và Cocquyt quyết định sử dụng nó để kiểm tra bí ẩn của các thấu kính. Đầu tiên, ông đặt một kính hiển vi bản sao trước máy quét neutron, một cách thử nghiệm để đảm bảo rằng ông sẽ không làm hỏng thiết bị chính sau đó. Lần tiếp theo, ông quét một chiếc kính hiển vi khác có chất lượng kém hơn cũng của Leeuwenhoek, các hình ảnh cho thấy rõ ràng thấu kính có các cạnh cứng và hình dạng tròn, hơi dẹt.
Nhưng trên ống kính có hiệu suất mạnh nhất, hình ảnh chụp cắt lớp neutron cho thấy Van Leeuwenhoek đã sử dụng một kỹ thuật hoàn toàn khác. Nó gần như có hình cầu hoàn hảo và hoàn toàn nhẵn, không có viền sắc theo kiểu được tạo ra bởi một thiết bị mài truyền thống. Đáng chú ý hơn, ống kính còn lưu lại những tàn tích mờ nhạt kiểu một thân cây bị gãy, được che giấu bởi các tấm đồng.
Dấu vết này là kết quả không thể tránh khỏi của việc hình thành một thấu kính bằng cách làm chảy một sợi thủy tinh cho đến khi một hạt hình thành ở đầu của nó và sau đó tách ra. Nói cách khác, để tạo ra ống kính tuyệt vời nhất của mình, Van Leeuwenhoek đã sao chép lại công thức đơn giản của Hooke từ cuốn sách nổi tiếng. Cocquyt tin rằng điều này có thể giải thích tại sao ông lại thận trọng đến vậy khi Hooke hỏi về phương pháp của mình, bởi ông muốn tránh việc ghi công cho chính Hooke.
Được công bố trên tạp chí Science Advances vào năm ngoái, phát hiện của Cocquyt nói rằng Van Leeuwenhoek đã sử dụng một kỹ thuật thổi thủy tinh nổi tiếng của thế kỷ 17. Nhưng nó cũng cho thấy một cái nhìn sâu sắc hơn của Van Leeuwenhoek về mọi thứ. Bởi trước Van Leeuwenhoek, hầu hết các kính hiển vi được sử dụng chỉ tiết lộ chi tiết hơn về thế giới mà mọi người vẫn nhìn thấy, ở một mức độ nào đó bằng mắt thường.
Còn thành tựu của Van Leeuwenhoek đã mở ra cả một thế giới mới mà chưa ai từng nhìn thấy trước khi. Và thú vị hơn, bản thân ông dường như không nghi ngờ gì về sự tồn tại của những sinh vật nhỏ bé giống như người ngoài hành tinh ngay trước mắt mình. Và rồi nỗi ám ảnh về thế giới của các vi sinh vật đã khiến ông rời bỏ thế giới hữu hình lại phía sau để tiến lên khám phá ra cả một thế giới mới đang sống bên dưới (và cả ở bên trong) mũi của chính mình.
Tham khảo Wired, Science Advances
Tổ Quốc